“Anh không muốn để người khác nhìn thấy anh cưỡi trên lưng lạc đà
còn em thì dắt.”
Cuối cùng chúng tôi cũng đến được cái thảm xanh ấy. Thực ra đây là
một ốc đảo trên hoang mạc. Một con sông lớn trên sa mạc chảy qua đây,
nuôi dưỡng những hàng hồng liễu và những rừng hồ dương tươi tốt. Giữa
sông mọc rất nhiều lau sậy, một đàn chim nghỉ ngơi bên sông, dưới sông
còn có mấy chiếc thuyền độc mộc. Đi đến bên sông, thấy không còn cảm
giác về hoang mạc nữa, mà như đang trở về sông nước Giang Nam. Tại
trung tâm ốc đảo, có một thôn nhỏ chỉ có mười mấy nóc nhà được làm bằng
đất và lau sậy cộng thêm gỗ hồ dương. Những căn nhà này nằm rải rác, nếu
để bảo vệ lẫn nhau thì hơi cách xa. Nhưng những người dân ở đây sống với
nhau rất thân mật, đối xử với nhau rất thân thiết. Khi Mã Nhã dẫn tôi đến,
họ mang những đồ ăn trong nhà đến mời tôi, làm cho tôi đang đói được ăn
một bữa trưa ra trò. Thức ăn chủ yếu là cá, thức ăn phụ còn có một ít thịt
cừu khô. Mã Nhã nói, người dân ở đây chủ yếu sống bằng nghề đánh cá,
ngoài ra còn nuôi thêm cả cừu nữa. Hình dáng của họ sở dĩ không cao to,
có lẽ nguyên nhân bởi vì cá là thực phẩm chính.
Nhưng những người ở đây, ngoài Mã Nhã ra không ai biết tiếng Hán.
Mã Nhã từ lâu đã đóng vai người phiên dịch của họ. Nhìn bề ngoài thấy họ
rất giống người Duy Ngô Nhĩ, nhưng tôi lắng nghe giọng nói của họ thì
những ngôn ngữ này không phải ngôn ngữ Duy Ngô Nhĩ. Tôi lập tức nghĩ
đến những ngôn ngữ Tây Tạng cổ mà tôi được học, thầm so sánh với thứ
ngôn ngữ mà họ đang dùng, quả nhiên có một số từ giống nhau. Có thể
ngôn ngữ của họ thuộc về một ngữ hệ khác: ngữ hệ Ấn Âu, cũng chính là
chủng tộc Thành cổ Lâu Lan cổ. Thế thì những người tôi gặp là hậu duệ
của người Thành cổ Lâu Lan trong truyền thuyết: Người La Bố. Họ đã rời
bỏ vùng hồ La Bố khô hạn, di cư đến nơi có nước, sống cuộc sống cách biệt
với thế giới. Trải qua những năm tháng dài, đại bộ phận họ đã bị Duy Ngô
Nhĩ hoá.