Buổi tối, Mã Nhã mang cho tôi hàng trăm cây nến, đều là của bà con
trong thôn mấy năm không dùng, để lại. Cô biết đêm nào tôi cũng phải viết
nhật ký, thậm chí còn mang cho tôi một ít mực. Lúc này tôi đang ngồi dưới
ngọn nến để viết nhật ký của ngày hôm nay.
Nhật ký ngày này cũng vừa đủ ba trang. Bạch Bích sau khi đọc xong,
mới hiểu người trong bức ảnh ở cuối tập tài liệu về Thành cổ Lâu Lan bố
cô để lại rốt cuộc là ai. Cô lật giở sang trang chín:
29 đến 30 tháng 9 năm 1978.
Thời tiết: Nắng. Nhiệt độ: Đã trở lạnh. Địa điểm: Ốc đảo hồ La Bố.
Tôi đã sống ở đây hơn 10 ngày rồi. Tôi học được một số câu đơn giản
của họ. Đây là một thứ ngôn ngữ đặc biệt, tuy rất giống với ngôn ngữ Tây
Tạng cổ, nhưng đã pha lẫn rất nhiều từ Duy Ngô Nhĩ. Mọi người ở đây đối
xử với tôi rất tốt, họ gần như thay nhau mời tôi đến nhà ăn cơm. Để báo
đáp lại thịnh tình của họ, tôi cũng học cách đánh cá, cùng họ chèo thuyền đi
đánh cá, thậm chí còn cùng bọn đàn ông nhảy xuống sông tắm. Độ mười
ngày sau, tôi đã gần như thích ứng được với cuộc sống ở đây. Những con
người nơi đây sống cuộc sống vô tư thoải mái, không có buồn phiền. Ở đây
không có hoạt động chính trị, không có tiền tệ, không có mùi tanh của đồng
tiền, con người thuần khiết như nước sông trong sa mạc.
Mã Nhã sống độc thân. Cô ở trong một căn nhà cách căn nhà đất của
tôi khoảng hơn 100 mét. Hàng ngày chúng tôi đi dạo cùng nhau, có lúc
cùng đi ra sa mạc. Cô muốn tôi nói cho cô nghe những gì xảy ra ở bên
ngoài. Tôi kể cho cô nghe tất cả những gì tôi biết, có những sự việc cô tỏ ra
rất ngạc nhiên, có những việc cô chẳng hề động lòng. Cô đối với tôi rất tốt,
có những đêm trời lạnh, cô mang cho tôi chăn lông cừu. Mỗi buổi sáng
hàng ngày đều hỏi tôi tối qua ngủ có ngon không. Tôi rất cảm động, nhưng
trong lòng tôi luôn có một nỗi lo lắng thường trực, vì cứ nhìn thấy đôi mắt
của cô thì lại sợ đột nhiên mình mất hết lý trí.