Lục hợp của Lỗ gia, những chiêu thức mang tính sát phạt chiến đấu quá ít
ỏi, nên chiêu này ít nhiều cũng được xem là một chiêu tấn công đoạt mạng.
Tương truyền một năm nọ, tại quê hương của Lỗ Ban là thành Đằng
Châu, các đệ tử Ban môn nhận nhiệm vụ xây dựng một công trình cho triều
đình là điện Đại Thành trong Văn Miếu. Khi hoàn thành và nghiệm thu,
tổng giám công phát hiện tại góc phía đông bắc của điện có một thanh dầm
nhô ra chừng nửa tấc. Mặc dù đây chỉ là một sai sót rất nhỏ, nhưng có thể
dẫn đến nguy cơ mất đầu như chơi! Đúng vào lúc mọi người không biết xử
lý thế nào, thì một ông lão râu tóc bạc trắng rẽ đám đông đi ra. Chỉ thấy
ông vung cánh tay phải, “vù” một tiếng xé gió, một lưỡi rìu bay vút đi,
không lệch một ly, xẹt qua bên mái, vừa hay xén đứt nửa tấc thừa ra của
thanh dầm. Tất cả mọi người có mặt đều ngây người kinh ngạc, đến khi
định thần lại, đã không thấy bóng dáng ông lão đâu nữa. Các đệ tử Ban
môn đoán là có thần công, chắc hẳn tổ sư hiển linh, đến trợ giúp cháu con
tiêu trừ tai họa, cũng là truyền thụ kỹ nghệ cho đời sau. Bởi vậy, chiêu thức
phóng rìu liền được liệt kê vào trong công phu Cố lương.
Kỳ thực Lỗ Ân không mấy hào hứng với các công pháp trong công phu
Lục hợp. Điều này cũng khó trách, bắt một người nửa đời đao kiếm đi học
kỹ nghệ của thợ mộc, một là không có hứng thú, hai là khả năng tiếp thu
cũng đã giảm. Vì vậy với các kỹ pháp Cố lương ông học đại khái được
chăng hay chớ, chỉ có chiêu quăng rìu này ông cảm thấy còn giống chiêu
thức võ công, nên đã khổ công tập luyện. Hơn nữa, ông còn nghĩ cách
chuyển hóa chiêu này sang đao pháp. Về sau, kỹ thuật phi đao chém địch
của ông còn thiện nghệ hơn cả phi rìu.
Trở lại chuyện chính, Lỗ Ân vừa vung đao chém tới, đã nhanh như chớp
phóng vụt đao đi. Chiêu này cũng chẳng khác gì so với cách thắt nút vào hạ
bộ đối phương khi nãy, đều mang ít nhiều bản sắc chợ búa vô lại của những
nhân sĩ võ lâm chính tông không bao giờ sử dụng. Mặc dù ông võ công cao
cường, nhưng cũng chỉ là một thị vệ, một lính quèn, vẫn chưa được coi là
người võ lâm chân chính. Vì vậy trong ý thức của ông, chiêu pháp tấn công
chỉ cần có thể lấy mạng kẻ địch đều được coi là cao chiêu.