Chương 1.1 Ụ ĐÁ RỜI
Mùa đông Giang nam đến muộn hơn so với phương Bắc, thế nhưng cái
lạnh nơi đây lại khiến cho rất nhiều người phương Bắc khó mà chịu đựng
nổi. Đó là cái lạnh lẽo ẩm ướt quấn riết vào da thịt, luồn lách qua từng lỗ
chân lông, thấu đến xương tủy.
Phương Bắc giờ này có lẽ đang tuyết đổ. Vì suốt mấy ngày nay, khắp trời
sương phủ âm u, khiến thành Cô Tô dù giữa trưa vẫn chìm trong u ám.
Một con thuyền mui đen lượn qua một khúc quanh, phá vỡ làn băng
mỏng chưa kịp tan ở ven bờ, tiến vào khúc sông Sơn Đường cổ kính. Vào
năm Bảo Lịch nguyên niên đời Đường, thi nhân Bạch Cư Dị đã đến đây
nhậm chức thứ sử Tô Châu. Ông cho khơi một con sông đào nối liền Hổ
Khâu với Xương Môn, bên bờ sông đắp đê Bạch Công, sau trở thành con
phố Thất Lý Sơn Đường xa gần nức tiếng.
“Đường Khai Sơn đã thông, ngược xuôi trên bến dưới sông rộn ràng”(*).
Ngày nay, Thất Lý Sơn Đường đã không còn nhộn nhịp như trong thơ xưa
nữa. Nhà cửa hai bên sông đào cũ kỹ sạt lở, cảnh tượng đa phần nhuốm vẻ
tiêu điều.
(*) Hai câu trong bài thơ “Đường chùa Hổ Khâu” (Hộ Khâu tự lộ) của
Bạch Cư Dị, nguyên văn là: “Tự Khai Sơn tự lộ, thủy lục vãng lai tấn”.
Chùa Khai Sơn còn có tên là chùa Thọ Phật, nằm ở trấn Phượng Sơn
huyện Liễu Thành thành phố Liễu Châu, Tô Châu.
Con thuyền rẽ đôi làn nước biếc xanh như mực, băng qua dưới cầu Sơn
Đường. Tấm rèm vải trên mui thuyền khẽ vén sang một bên, để lộ một đôi
mắt long lanh trong suốt, hai hàng mi dài khẽ lay động, ánh mắt tuyệt đẹp
nhìn lướt qua cây cầu một lượt, dường như đang tìm kiếm thứ gì.
Tấm rèm lại nhanh chóng buông xuống. Từ trong khoang vọng ra giọng
Ngô(*) êm ái của một cô gái trẻ:
- Không có!