(*) Tam Thanh tức là Ngọc Thanh, Thượng Thanh, Thái Thanh, là ba vị
thần tiên tối cao trong thiên giới của Đạo giáo; đồng thời, cũng chính là
tên gọi chung của Đạo giáo đối với Nguyên Thuỷ Thái Tôn, Linh Bảo Thiên
Tôn, Đạo Đức Thiên Tôn trong Đạo giáo.
Lúc này, trên ba tấm đệm cói cũ kỹ rách nát trước bàn thờ, có ba người
đang ngồi xếp bằng, đó là Lỗ Nhất Khí, lão già mặt đỏ và một vị đạo sĩ già.
Vị đạo sĩ già chính là quán chủ ở đây, ông ta đang nhìn hai người một già
một trẻ ngồi trước mặt mình với ánh mắt vô cùng kinh ngạc.
Lỗ Nhất Khí đang ngồi xếp bằng, tư thái còn đoan chính chuẩn mực hơn
cả vị đạo trưởng một đời tu luyện kia, đích xác là ngũ tâm vấn thiên, tam
mạch hội lưu. Nghe nói cậu thanh niên trẻ tuổi kia đến từ Ban môn họ Lỗ,
điều đó khiến lão đạo trưởng hết sức tò mò. Nói tới Ban môn, ông ta có biết
sơ qua, đó là hậu duệ của tổ sư nghề mộc. Song công pháp của họ dường
như không liên quan gì tới Đạo giáo, tại sao lại có thể sinh ra một chàng trẻ
tuổi có đạo cốt phi phàm đến vậy?
Tư thế ngồi của lão già mặt đỏ có phần tuỳ tiện, trong Phật môn, thế ngồi
này được gọi là “La Hán tu”. Thế nhưng lão lại không phải là người trong
Phật môn, cứ nhìn vào đám râu tóc bù xù và những vết dầu mỡ dính đầy
trên y phục của lão ta là biết.
Lỗ Nhất Khí khẽ nhắm hờ đôi mắt. Tuy cậu ngồi trong tư thế đúng kiểu
Đạo gia, song lại không hề mang tâm cảnh của Đạo gia, mà đang âm thầm
đánh giá về hai kẻ đang ngồi trước mặt.
Vị đạo trưởng trông rất đỗi bình thường, không có gì khác so với những
đạo trưởng mà cậu từng gặp ở núi Thiên Giám thuở nhỏ. Còn lão già mặt
đỏ lại hoàn toàn không phải một lão già bình thường, trong cảm giác của
Lỗ Nhất Khí, thanh kiếm phía sau lưng lão ta chẳng khác gì một vật sống,
với hào quang xanh biếc lớp lớp lan toả. Làn khí màu xanh mà đám Lỗ
Nhất Khí nhìn thấy trên cánh đồng tuyết phủ chính là ánh hào quang toả ra
từ thanh kiếm. Thanh kiếm là một bảo bối, một bảo bối cổ xưa sắc bén dị
thường. Bởi vậy, người chế ngự được nó chắc chắn không phải là một kẻ