sang, thường là phải đợi tới mùa xuân năm sau khi vụ săn mới bắt đầu. Bởi
vậy dù lò rèn lửa cháy rừng rực, song lại chẳng có việc gì.
Phía đông của quán cơm là một bãi đất trống, không thấy ai bày bán gì ở
đó, bởi lẽ phía bên kia của bãi đất trống chồng chất một đống gỗ thô cao
ngất như núi. Tuy đống gỗ được ràng buộc chắc chắn bởi những sợi thừng
rất lớn, song người buôn bán trong núi đều biết đó là nơi nguy hiểm, nên
không ai dám nấn ná ở lâu.
Phía trước quán cơm khoảng bảy, tám chục bước là một sân khấu thô sơ,
một đám kẻ thổi người đàn đã ngồi choán mất nửa sân khấu, ở giữa là một
đôi nam nữ phất khăn đỏ vẫy quạt hoa đang hát nhị nhân chuyển*.
* Một hình thức ca kịch của vùng Đông Bắc Trung Quốc, người biểu
diễn là một nam một nữ, ăn mặc sặc sỡ, tay cầm quạt và khăn tay, vừa đi
vừa múa vừa hát, thường là kể lại một cốt truyện. (Nd)
Người xem kịch không nhiều, bên dưới sân khấu người ta còn đang bận
bịu xem hàng, bán hàng, mặc cả, cân đong. Chỉ có một sổ ít người đã bán
hết hàng, lại được giá hời là còn hứng thú ngồi khểnh ngắm cô đào mặt mũi
dễ coi giọng ca lảnh lót mà tưởng tượng nọ kia.
Chỗ náo nhiệt nhất lại là phía đông của sân khấu, nơi đó có một đám
đông nghịt đang quây kín xung quanh kêu la ỏm tỏi, thì ra là hàng bán gỗ.
Chủ hàng xắn cao tay áo, tay cầm một cây cưa to dài uốn cong như cánh
cung, trông chẳng khác nào gã đồ tể bán thịt. Hàng hoá của gã tính giá theo
cân, bởi lẽ chỉ có hai loại là gỗ lê thiết tuyến kim hoa và gỗ thông lùn nhựa
hồng ngọc. Cả hai đều là những giống gỗ cực kỳ quý hiếm, thời trước
chuyên dùng để khắc tượng Phật, khám thờ Phật hoặc đồ trang trí treo
tường để tiến cống cho hoàng cung.
Những người trong quán cơm đều không xem kịch, mà đang cắm cúi ăn
uống, dường như tất cả cảnh tượng náo nhiệt ngoài kia đều không hề liên
quan tới họ.