thay đổi để phù hợp với mục đích dân dụng. Ví dụ, Boeing 707 lúc
đầu là chiếc máy bay chuyên chở của không quân (chiếc KC-135).
Chính phủ Mỹ cũng đã mua nhiều máy tính và linh kiện điện tử
đầu tiên.
Tuy nhiên, những lý do tương đối truyền thống này mới chỉ
bắt đầu giải thích được sự thống trị của Mỹ trong cạnh tranh quốc
tế thời kỳ hậu chiến. Như chúng ta sẽ thấy rõ rằng, một hệ thống
động lực rộng lớn hơn nhiều đã đóng vai trò ở đây. Thành công có
thể quá vĩ đại và đến quá dễ dàng của Mỹ, là kết quả từ một sự kết
hợp độc nhất của những hoàn cảnh đã tự củng cố lẫn nhau.
CÁC HÌNH MẪU CỦA LỢI THẾ CẠNH TRANH MỸ
Một cách để có được hiểu biết ban đầu về những hình mẫu
cạnh tranh thành công trong các ngành công nghiệp của Mỹ là
khảo sát 50 ngành công nghiệp hàng đầu của nước này vào năm
1971 về thị phần trong tổng xuất khẩu thế giới, như trong Bảng 7-2
(tôi sẽ bàn luận về số liệu năm 1985 trong Chương 9). Năm mươi
ngành công nghiệp hàng đầu về thị phần xuất khẩu mà tôi sẽ trình
bày tất cả 8 nước được nghiên cứu là những ngành mà các quốc gia
nắm vị trí quốc tế dẫn đầu và do đó, có lợi thế cạnh tranh quốc tế
mạnh mẽ một cách khác thường. Thường thì Top 50 ngành công
nghiệp chiếm một tỉ lệ đáng kể trong tổng xuất khẩu của quốc gia.
(Tôi cũng trình bày trong Bảng B-1, 50 ngành công nghiệp hàng
đầu về giá trị hàng xuất khẩu. Ở tất cả các quốc gia, danh sách này
bị chiếm lĩnh bởi các ngành công nghiệp cũng có thị phần đáng kể
trong xuất khẩu thế giới. Đôi khi nó cũng bao gồm một vài ngành
công nghiệp lớn, như xăng dầu hay xe hơi, những ngành mà quốc
gia có vị trí thấp nhưng thường xuyên có cán cân thương mại thâm
hụt.)