mới nhất. Tuy nhiên, trong giai đoạn này, công nghệ và phương
pháp nước ngoài không chỉ được áp dụng mà còn được cải tiến.
Khả năng hấp thụ và cải tiến công nghiệp nước ngoài của một quốc
gia là cần thiết để đạt tới giai đoạn cạnh tranh dựa vào đầu tư. Sau
khi công nghệ và phương pháp nước ngoài được nắm bắt, các
doanh nghiệp bắt đầu cải tiến theo cách riêng, bao gồm cả những
mẫu sản phẩm riêng. Đầu tư thụ động trong những nhà máy chìa
khóa trao tay (turn-key plants) là không đủ.
Các quốc gia, công dân và các doanh nghiệp đều đầu tư trong
một nền kinh tế dựa vào đầu tư để nâng cấp các yếu tố sản xuất từ
cơ bản lên các trình độ tiên tiến hơn và tạo ra cơ sở hạ tầng hiện
đại. Những lao động ngày càng có kĩ năng và đội ngũ nhân viên kĩ
thuật ngày càng tăng nhưng vẫn được trả lương tương đối thấp sẽ
vận hành những cơ sở sản xuất tinh vi và tạo ra năng lực nội bộ để
đồng hóa và cải tiến công nghệ. Các doanh nghiệp một nước thiết
lập ít nhất một vài kênh tiếp thị quốc tế riêng, cũng như tiếp xúc
trực tiếp với các khách hàng để bổ sung bên cạnh việc gia công cho
các doanh nghiệp nước ngoài. Cạnh tranh nội địa gay gắt trong các
ngành công nghiệp mà quốc gia đó cạnh tranh sẽ thúc đẩy các
doanh nghiệp đầu tư liên tục để giảm chi phí, cải tiến chất lượng
sản phẩm, giới thiệu những mẫu mã mới và hiện đại hóa qui trình
sản xuất. Việc có những mục tiêu hỗ trợ cho đầu tư vào công nghệ
và tài sản vốn cũng là một điều kiện quan trọng. Điều quan trọng
để vươn lên giai đoạn này là các doanh nghiệp phải dám chấp nhận
rủi ro và có các doanh nghiệp mới gia nhập ngành để cho mỗi
ngành đều có nhiều đối thủ cạnh tranh gay gắt với nhau.
Trong giai đoạn cạnh tranh dựa vào đầu tư, lợi thế cạnh tranh
có được nhờ vào sự cải thiện các điều kiện yếu tố sản xuất cũng