Cây nói này buộc bọn trẻ phải nín thinh một lúc. Thế rồi nhà bác học
Éc-nét lên tiếng giới thiệu rất tỉ mĩ đặc tính của cây ca-cao, cách chọn và
hái quả chín, đánh thành đống, lấy hạt nhân ra, ủ cho bắt đầu lên men rồi
mới chở sang bán ở Châu Âu. Thứ hạt ấy đem hơ nóng cho tách vỏ ra, sấy
trên lửa dịu, giã nhỏ trong cối thật nóng thành một thứ bột mịn, đem trộn
với một trọng lượng đường tương đương, thế là thành bột sô-cô-la.
Thế mới gọi là khoa học chứ! – Thằng Ruyt-ly ngốc nghếch cắt ngang
– Đúng thế, cũng như nhiều người khác, con ăn sô-cô-la mà chẳng bao giờ
biết tìm hiểu nguồn gốc và cách làm ra sô-cô-la v.v... Từ cái chén đến cái
miệng, chẳng bao giờ con nghĩ rằng cái món sô-cô-la nóng hổi ngon lành
ấy lại phải trải qua một cuộc du lịch lôi thôi như thế. Vậy thì em xin thành
thực kính phục nhà bác học trứ danh Éc-nét tiên sinh và xin kính dâng nhà
bác học chén sô-cô-la đầu tiên khi nào xưởng Nhà trong động chế biến ra
được nó.
Vợ tôi ngỏ ý muốn đem hạt ca-cao về ươm ở vườn nhưng tiên sinh Éc-
nét cho biết ngay là không thể được, vì hạt ca cao phải ươm ngay sau khi
hái quả thì nó mới nẩy mầm và lớn lên. Thế là cả nhà quyết định giao cho
Phrê-đê-rích nhiệm vụ ngày hôm sau chèo chiếc cai-ắc đi, tìm cách đánh
hai cây ca-cao quí báu ấy về để trồng ở vườn. Vợ tôi, vốn là một nhà nội
trợ lo xa, không bao giờ chịu bỏ lỡ dịp làm giàu thêm cho khu vườn nhà,
cho nên hễ gặp một loại cây cỏ nào có ích là bà nhất quyết trồng bằng
được. Ngày hôm sau Phrê-đê-rích ngược dòng sông trong khi chúng tôi sửa
soạn mọi thứ để lên đường. mãi đến chiều nó mới trở vê, chiếc cai-ắc kéo
theo sau một mảng buộc những cây sậy ghép lại, trên chở một đống tướng
những cây xanh.
Hoan hô! Hoan hô!- Ba đứa trẻ ở nhà reo lên khi thấy anh chúng nó ra
giữa một đám cây xanh. Chúng ùa chạy tới rồi cùng nhau ì ạch kéo bè cây
về lều, vui sướng và thỏa thích vô kể.