Về phía ông bà Uôn-xtơn cũng có cảnh chia ly; chỉ có một cô con gái
ở lại với ông bà, còn cô kia tiếp tục đi cho tới Niu-di-lơn.
Thu xếp việc nhà như thế quả có nhiều day dứt trong lòng, nhưng rồi
mọi việc cũng ổn thỏa! Tôi vội vàng báo ngay cho thuyền trưởng tàu “Uy-
ni-coóc” biết để ông xét duyệt. Thuyền trưởng tỏ ý rất vui lòng nhận ba
hành khách mới. Ông cười bảo tôi:
Tôi để lại trên đảo này ba hành khách: ông bà Uôn-xtơn và một cô con
gái, tôi lại nhận ba người khác ở đảo này lên, thế là tổng số người đi trên
chuyến tàu này vẫn không thêm không bớt.
Tàu “Uy-ni-coóc” còn ở lại đây tám ngày nữa. Trong thời gian này,
chúng tôi lo lắng chuẩn bị mọi thứ có thể trở thành tài sản của những người
ra đi, khi họ đã tới châu Âu. Tất cả những vật quý đã thu góp được: ngọc
trai, ngà voi, các thứ gia vị, da lông thú và tất cả những sản vật hiếm… đều
lập tức được đóng gói cẩn thận và chở xuống tàu. Chúng tôi cũng cung cấp
dồi dào cho chiếc tàu các thứ lương thực như thịt, hoa quả và thức ăn muối.
Ngày cuối cùng, chúng tôi suốt đêm trò chuyện trong gia đình một lần
chót. Tẩt nhiên không khỏi bịn rịn trước lúc chia tay, một chuyến chia tay
chưa biết bao giờ mới lại gặp mặt. Đây cũng là lúc mà tôi ân cần nói hết
cho các con tôi nghe, với tất cả tấm lòng và sự hiểu biết cùng kinh nghiệm
đời của một người cha, mong chúng hiểu đuợc những khó khăn có thể gặp
trong cuộc đời mới sắp bước chân vào. Tôi căn dặn Phrê–đê-rích hết sức
trân trọng bản chép câu chuyện này; sáng mai lúc lên đường, tôi sẽ đưa cho
nó tập tài liệu quý giá ghi lại đầy đủ câu chuyện đắm tàu và công cuộc xây
dựng trên bờ biển hoang vắng này. Tôi dặn nó nhớ đem đi in và phổ biến
ngay khi có dịp tốt, hi vọng có thể giúp ích cho nhiều người khác, cho các
bạn trẻ, thanh niên, cũng như thiếu niên. Tôi không ghi chép tập tài liệu này
như một nhà nghiên cứu vạn vật hay địa lý. Tôi chỉ muốn nói với bạn đọc
ba điều căn bản đã cứu giúp chúng tôi thoát khỏi những nguy cơ khủng
khiếp đã phải trải qua.