lại ôm sách đến tìm Phụng Ngô thỉnh giáo, lần nào Phụng Ngô cũng kiên
nhẫn chỉ bảo. Học thức của Phụng Ngô còn uyên bác hơn thái phó nhiều,
chỉ dăm câu ba điều đã giải đáp trôi chảy, mỗi lần thỉnh giáo xong, y lại
cảm thấy, vẻ nuối tiếc của Phụng Ngô hôm ấy đã giảm đi một phần. Mãi
đến khi y mười một tuổi, Bách Lý Tề làm phản, Phụng Ngô thỉnh cầu phụ
hoàng cho đích thân đi dẹp loạn. Hòa Thiều nấp sau bức bình phong, nghe
thấy Phụng Ngô tâu với phụ hoàng, "Mầm họa không nằm ở Bách Lý thị,
mà nằm ở Đồ Thành, nhất định phải nhổ cỏ tận gốc."
Phụ hoàng nói, vẻ hung tợn, "Giết, bất cứ kẻ nào dám ngấp nghé hoàng
vị của trẫm, nhất loạt giết hết không tha. Truyền Mộ Trinh. Trẫm muốn diệt
hết toàn thành."
Sau đó, nội loạn được dẹp yên, Phụng Ngô trọng thương trở về, bế quan
tại quốc sư phủ dưỡng thương. Hòa Thiều lấy cớ ra ngoài đi săn, toan lẻn
tới thăm Phụng Ngô. Nào ngờ thớt ngựa bỗng giật mình chồm lên, hất y ngã
xuống sơn cốc, lúc đang trọng thương hôn mê lại xui xẻo gặp phải mưa lớn,
sau khi về cung, thương thế được ngự y điều trị cũng khỏi dần, nhưng từ ấy
mắc bệnh phổi. Sau khi dẹp loạn Bách Lý, sức khỏe phụ hoàng cũng kém
hẳn. Gần như đêm nào phụ hoàng cũng gặp ác mộng, nói có rất nhiều oan
hồn quấy nhiễu, nhiều đến mức mấy tẩm cung cũng không chứa hết được.
Ngoại trừ Phụng Ngô, phụ hoàng còn mời rất nhiều đạo nhân phương sĩ và
hòa thượng vào cung, đêm đêm tụng kinh. Nhưng phụ hoàng vẫn càng ngày
càng nóng nảy, bệnh tình cũng càng ngày càng nặng, gượng được thêm vài
năm thì băng hà.
Ngày Hòa Thiều đăng cơ cũng là một ngày mùa hạ, cách sinh nhật mười
sáu tuổi của y ba tháng. Phụ hoàng băng hà, ai điếu suốt mấy ngày khiến
bệnh cũ của y tái phát, giữa ngày nắng gắt mà phải mặc phụng bào đội mũ
miện nặng trịch, đại điển còn chưa hoàn tất, y đã chóng mặt hoa mắt. Lúc
bước lên thềm ngự để bá quan dập đầu bái lạy, y sơ ý lảo đảo một cái rồi
mới ngồi xuống ngai rồng, chỉ thấy Phụng Ngô bên cạnh thoáng nhíu mày,
vẻ nuối tiếc trong ngự thư phòng năm nào lại lộ ra.