Bấy giờ Lạc Việt mới lại rút sách ra, xem qua nội dung bên trong, thấy
trang nào trang nấy đều vẽ hình trận pháp. Tuy trên hình có văn tự ghi lại
vắn tắt bí quyết bày trận cùng cách phá giải trận nhãn, nhưng hầu như đều
phải dùng đến những ký hiệu và bí thuật huyền pháp, phải quán chú linh lực
mới có thể khởi động cũng như phá giải trận pháp. Hơn nữa những trận
pháp này đều ly kỳ cổ quái, thâm ảo khó lường, lợi dụng những yếu tố tự
nhiên như rừng rậm núi cao để bày trận, thậm chí còn là trận pháp thiên
nhiên do cơ duyên xảo hợp tự tạo thành, không hề có bàn tay con người bày
binh đặt lính. Cuốn sách này hẳn rất có ích cho người tu đạo, nhưng đối với
việc bài binh bố trận hay với người thường không hiểu huyền pháp thì
chẳng khác nào một mớ giấy lộn.
Hèn chi Cao thống lĩnh kiếm được cuốn sách này cũng chẳng thèm giữ
làm của riêng, mà khảng khái đem tặng hắn coi như đền ơn. Lạc Việt nhịn
không được toan thở dài, lật lại lần nữa, đột nhiên, một hàng chữ đập vào
mắt hắn: Bảo Mệnh trận.
Trận này chỉ là một vòng tròn đơn giản, bốn phía vẽ thêm mấy ký hiệu,
rất đơn giản dễ nhớ. Chú giải bên cạnh cho biết, trận này do Khanh Dao sư
tổ ngẫu nhiên phát hiện ra trong một sơn động, nghi là do một vị cao nhân
tu vi cao siêu hoặc tiên nhân nào đó lưu lại. Khanh Dao sư tổ từng tận mắt
chứng kiến sự huyền diệu phi thường của trận pháp này, nhưng sư tổ không
nói rõ, chỉ viết vắn tắt rằng, trận này có thể khiến người ta biến mất trong
nháy mắt, quả là một trận pháp giữ mạng tuyệt vời. Đồng thời, sư tổ cũng
nhắc nhở, trận pháp này phải dựa vào pháp lực để thúc đẩy, pháp lực của
người thi pháp có liên quan mật thiết tới hiệu quả độn ẩn, ngay cả Khanh
Dao sư tổ cũng phải than, pháp lực của phàm nhân quyết không đủ để bày
được trận này, nên ta chỉ thấy vậy chứ chưa từng thử nghiệm. Niềm hưng
phấn khi trông thấy ba chữ "Báo Mệnh trận" của Lạc Việt đã hóa thành thất
vọng, Chiêu Nguyên chợt nói, "Cuốn sách này không chừng lại hợp với Lạc
Lăng Chi."