dây thần kinh của bạn như tan mất và biến cơ thể của bạn thành một cục
sáp nham nhở. Căn bệnh này thường bắt đầu từ chân và leo ngược lên trên.
Trước tiên, bạn sẽ không kiểm soát được cơ đùi, không đứng dậy nổi. Tiếp
đó, các cơ lưng bị tê liệt khiến bạn không thể nào ngồi thẳng lên được. Rồi
sau, tuy bạn còn sống nhưng phải thở qua ống tiếp ôxy đặt trong họng. Đầu
óc còn tỉnh táo của bạn bị nhốt trong một cái thân xác mềm oặt chỉ còn biết
chớp mắt và chép lưỡi mà thôi. Thông thường, cái chết sẽ mang bạn đi sau
năm năm chớm bệnh.
Các bác sĩ đoán thầy Morrie chỉ còn sống được hai năm nữa.
Tự thầy biết rằng thời gian đích thực còn ít hơn nhiều.
Và người thầy cũ của tôi đã có một quyết định quan trọng, một quyết định
mà ông liên tục nghiền ngẫm từ cái ngày ông bước ra khỏi phòng mạch của
bác sĩ với lưỡi gươm treo lơ lửng trên đầu. “Ta cứ héo hắt rồi biến mất khỏi
thế gian này hay cố gắng biến quãng đời còn sót lại thành thời gian đẹp
nhất của cuộc sống?” Không biết bao lần ông tự đặt ra cho mình câu hỏi
như vậy.
Ông sẽ không chịu héo hắt tàn lụi, ông không ngại phải đối mặt với cái
chết.
Ngược lại, ông sẽ biến cái chết của mình thành đỉnh cao cuộc đời. Không ai
tránh được cái chết, vì vậy ông sẽ làm cho nó có giá trị hơn, ông sẽ biến
mình thành một cuốn sách giáo khoa sống để người khác đọc. “Hãy qua tôi
mà học cách sống chung với sự hấp hối chậm rãi. Hãy quan sát những gì
xảy đến với tôi. Hãy học cùng tôi.”
Thầy Morrie muốn bước qua cây cầu cuối cùng nối giữa cái sống và cái
chết. Đi qua và thuật lại cho hậu thế.
Thế rồi học kỳ cũng nhanh chóng qua đi. Những viên thuốc ngày càng
nhiều lên. Các cô y tá đều đặn tới nhà giúp thầy Morrie luyện đôi chân
đang bị teo. Họ co gập ống chân từ trước ra sau và ngược lại như thể người
ta kéo chiếc cần bơm tay hút nước từ giếng lên. Mỗi tuần một lần, các
chuyên gia xoa bóp cố gắng làm dịu đi cảm giác cứng đờ nặng nề mà thầy
thường xuyên phải chịu đựng. Thầy Morrie chịu khó ngồi nhắm mắt và cố
rũ bỏ mọi ý nghĩ để hợp tác với các bác sĩ thôi miên.