tuần. Một buổi sáng, thầy định lái chiếc xe hơi ra khỏi gara nhưng rồi chỉ
đủ sức đạp thắng. Thế là việc lái xe chấm dứt từ đó.
Để duy trì những chuyến dạo chơi, thầy mua một cây batoong. Thế là hết
chuyện đi lại tự do.
Thầy Morrie vẫn thường xuyên đến bể bơi của trường đại học, cố duy trì
một thời khoá biểu đã có từ lâu. Thế nhưng, một ngày nọ thầy buồn rầu
phát hiện ra rằng mình không thể tự thay đồ được nữa. Lần đầu tiên trong
đời, thầy đành phải mượn người giúp việc, một nữ sinh viên khoa Thần học
có tên Tony. Cô cầm tay ông dắt xuống nước, lên khỏi bể bơi, vào ra nhà
tắm. Trong phòng thay đồ, mọi người giả vờ như không nhìn thấy gì.
Nhưng dù sao thì cũng chẳng còn cái gọi là sự riêng tư.
Mùa thu năm 1994, thầy Morrie lặn lội leo lên những ngọn đồi của khu Đại
học Brandeis đọc loạt bài giảng cuối cùng. Tất nhiên, ông có thể từ chối,
trường hoàn toàn thông cảm. Việc gì phải bộc lộ đau khổ của mình trước
mặt mọi người? Cứ ở nhà và để mọi việc trôi theo trật tự của nó. Tuy nhiên,
thầy Morrie không hề có ý định rũ áo.
Và thế là thầy khập khiễng từng bước tới giảng đường quen thuộc đối với
ông suốt hơn ba chục năm qua. Vướng vất với chiếc ba toong một lúc, thầy
Morrie mới bước được lên bục giảng. Thầy ngồi xuống ghế, móc túi lấy
cặp kiếng đeo lên mũi, đưa mắt xuống những gương mặt trẻ trung đang im
lặng nhìn ông chờ đợi.
"Các bạn, tôi được giao nhiệm vụ giảng cho các bạn môn Tâm lý xã hội.
Tôi dạy môn này đã hai chục năm và đây là lần đầu tiên tôi đành phải nói
với các bạn rằng vì tôi mắc một chúng bệnh nan y nên có thể tôi sẽ không
hoàn tất được học kỳ. Tôi hoàn toàn thông cảm nếu có ai đó xin chuyển
sang lớp khác". Thầy mỉm cười.
Thầy Morrie quyết định không giữ kín bí mật của mình nữa.
Căn bệnh của thầy Morrie giống như cây nến đang cháy dở. Nó làm các