Một bữa nọ, lọ mọ với cây ba toong, thầy Morrie lần mò ra hè phố và ngã
xuống lòng đường. Cây can liền bị đổi thành cặp nạng. Chả bao lâu sau,
việc đi lại giữa buồng ngủ và nhà vệ sinh làm thầy kiệt sức, ông đành phải
dùng tới cái bô lớn. Dẫu có người đỡ ông khi làm việc này, lần nào thầy
Morrie cũng phải gắng gượng.
Chắc chắn đa số những người ở tuổi thầy Morrie đều bực bội khi rơi vào
hoàn cảnh tương tự. Thế nhưng, thầy lại có thái độ hoàn toàn khác. Thỉnh
thoảng, khi có vài đồng nghiệp tới thăm, thầy bình thản nói: “Tôi muốn đi
vệ sinh. Ông giúp tôi nhé, được chứ?"
Dẫu vậy, họ vẫn cứ quay trở lại thăm thầy.
Quả tình, dòng khách tới với thầy Morrie cảm thấy rất vui. Thầy thảo luận
với họ về bản chất của cái chết, cố gắng giải thích tại sao mọi người đều sợ
chết trong khi chưa hiểu đích xác về nó. Thầy dặn bạn bè rằng nếu quả thực
họ muốn giúp đỡ thầy thì chẳng cần họ phải bày tỏ thương cảm. Thầy chỉ
trông đợi những cuộc thăm viếng, những cú điện thoại để thầy có cơ hội
cùng chia sẻ nhũng vấn đề của họ như họ vẫn từng làm trước đây. Thầy
Morrie vốn có tài kiên nhẫn lắng nghe người khác mà.
Bất chấp mọi tai họa, giọng nói của thầy Morrie vẫn sang sảng, quyến rũ.
Đầu óc thầy lúc nào cũng đầy ắp những ý nghĩ mới mẻ. Thầy cố gắng
chứng minh rằng từ "cái chết" không hề đồng nghĩa với từ "vô dụng".
Ngày đầu năm mới đến rồi đi. Mặc dù không hé răng với ai, nhưng thầy
biết rõ rằng đây là năm cuối cùng của cuộc đời mình. Hiện giờ thầy đã phải
dùng tới xe lăn và thầy đang cố trì hoãn cái ngày mà thầy buộc phải nói ra
tất cả những gì muốn nói với những người mà thầy thương yêu. Trở về nhà
sau tang lễ của một đồng nghiệp ở trường Brandeis qua đời vì đột quy tim,
thầy Morrie tỏ ra chán nản.