tìm góc ngồi thuận tiện nhất. Như thủa xưa, thầy hỏi tôi có nếm một chút gì
không. Tôi gật đầu. Chị giúp việc người Ý mập mạp tên là Connie cắt mấy
khoanh bánh mì đặt cạnh đĩa xà lách trộn, gà nấu đậu.
Vừa nhác thấy Connie đặt lên bàn một nắm thuốc, thầy Morrie nhìn chúng
thở dài. Hai hốc mắt thầy trũng sâu, đôi gò má cao cao hơn so với hình ảnh
ghi trong ký ức của tôi. Chúng khiến cho vẻ mặt thầy khắc nghiệt hơn xưa,
cho tới lúc nụ cười xuất hiện trên môi.
"Này Mitch", thầy nói nhẹ nhàng, "Con biết ta sắp chết chứ?"
Tôi biết.
"Vậy thì", Morrie nuốt nốt mấy viên thuốc còn lại, đặt chiếc ly giấy xuống,
hít vào một hơi sâu rồi thở mạnh ra. "Ta sẽ kể cho con hay nó ra sao".
"Nó? Cái chết ư thưa thầy?"
"Phải", thầy đáp.
Những bài giảng cuối cùng của thầy đã bắt đầu như vậy, ngoài chủ ý của
tôi.
Dạo tôi còn học năm thứ nhất, thầy Morrie là vị giáo sư cao tuổi nhất
trường, còn tôi là cậu sinh viên măng sữa. Hòng bù lại sự thiếu hụt về tuổi
tác, tôi thường mặc chiếc áo trấn thủ xám, năng lui tới một câu lạc bộ thể
thao trong vùng tập quyền Anh và đi vòng vòng với điếu thuốc lá cháy dở
trên môi mặc dù tôi chẳng hề biết hút thuốc. Lúc nào cửa kính xe hơi
Mercury Congar của tôi cũng hạ xuống, từ đó vọng ra tiếng nhạc rống ong
ỏng. Tôi muốn phô bày bản thân như một người cứng cỏi và từng trải. Kỳ
tình, tôi bị cuốn hút bởi sự dịu đàng của thầy Morrie. Còn ông lại làm như
không chú ý tới những trò làm bộ làm tịch trẻ con của tôi, vì thế tôi chùng
xuống.
Học hết năm thứ nhất với thầy, tôi chuyển sang lớp khác. Thầy Morrie dễ
dãi trong việc chấm điểm, thầy không chú ý tới điểm số của học trò. Người
ta kể rằng hồi còn chiến tranh Việt Nam, đã có lần thầy chấm điểm A cho
tất cả sinh viên nam trong lớp để họ khỏi bị gọi quân dịch.
Thầy Morrie thích biệt danh, vì thế tôi chuyển sang gọi thầy là Coach, theo
đúng cách chúng tôi vẫn xưng hô với huấn luyện viên trong câu lạc bộ thể
thao của trường.