yêu người khác, biết hiến mình cho cộng đồng, làm những việc khiến cuộc
sống trở nên có mục đích".
Tôi nhận ra rằng những lời thầy Morrie hoàn toàn đúng.
Giải Wimbledon kết thúc, tôi tắt máy tính, dọn dẹp phòng làm việc, trở về
khách sạn đóng gói đồ đạc.
Tôi bay tới Detroit vào lúc gần nửa đêm, cố lê bước về tới nhà chui vào
giường ngủ. Sáng hôm sau, tôi bừng tỉnh giấc với tin choáng váng: Công
đoàn tờ báo nơi tôi làm việc quyết định đình công. Lối vào cửa bị chặn bởi
những hàng rào, nhân viên tuần hành dọc theo quãng phố trước cửa toà
soạn. Là thành viên công đoàn, tôi không còn chọn lựa nào khác. Lần đầu
tiên trong đời, tôi bỏ việc, chống lại các ông chủ. Những người lãnh đạo
Công đoàn gọi điện cảnh cáo tôi không được liên lạc với ban biên tập mà
trong đó có nhiều người là bạn tôi, và phải treo máy nếu họ gọi lại giải
thích sự việc.
"Chúng ta sẽ đấu tranh tới ngày thắng lợi”, các nhà lãnh đạo Công đoàn thề
thốt.
Tôi cảm thấy bối rối và chán nản. Mặc dầu tôi còn làm thêm cho mạng
truyền hình và phát thanh, thế nhưng báo chí vẫn là công việc chính. Với
tôi, tờ báo như khí trời tôi hít thở để sống. Mỗi sáng nhìn thấy những bài
viết của mình được đăng, ít nhất tôi cũng biết rằng mình vẫn còn sống.
Bây giờ mọi chuyện đã khác. Cuộc đình công kéo dài sang ngày thứ hai, rồi
ngày thứ ba và xuất hiện những cú điện thoại, những tin đồn nói nó sẽ kéo
dài vài tháng. Mọi việc đều bị đảo lộn tùng phèo. Đang diễn ra biết bao
nhiêu sự kiện thể thao đáng ra tôi phải có mặt để đưa tin, thế mà tôi lại nằm
khoèo ở nhà coi chúng qua tivi. Quen nghĩ rằng bạn đọc đang hau háu chờ
những bài bình luận sốt dẻo của tôi, tôi kinh ngạc phát hiện ra rằng dẫu
không có tôi dòng đời vẫn trôi qua bình thản.
Một tuần trôi qua. Tôi nhấc ống nghe và quay số của thầy Morrie. Chị
Connie đỡ ông tới bên máy.
"Con đến chỗ ta nhé”, giọng thầy nói như ra lệnh.
"Vâng".
"Thứ Ba được không?"