Mới lên chín, cậu bé đã cảm nhận được sức nặng của cả quả núi đè lên đôi
vai gày gò.
Nhưng chỉ một năm sau, vòng tay cứu rỗi đã đến với cậu bé Morrie. Cha
cậu đi bước nữa, ông lấy dì Eva, một người đàn bà Rumani thấp người, tóc
quăn màu nâu nhưng nghị lực của bà gấp đôi những người phụ nữ khác. Sự
sôi nổi của dì rọi sáng bầu không khí u ám mà cha cậu tạo nên trong gia
đình. Dì khéo léo phá vỡ sự im lặng của chồng. Đêm đêm dì hát cho các
con chồng nghe trước khi đi ngủ. Cậu bé Morrie nhận được những lời an ủi
dịu dàng, được dì kèm cặp làm bài tập ở nhà và học được tính khí mạnh mẽ
của dì. Khi David trở về nhà với cặp nạng, hai anh em được xếp ngủ chung
trên chiếc giường có bánh xe lăn ở trong bếp. Trước khi đi ngủ, bao giờ dì
Eva cũng hôn lên trán hai đứa. Tối nào Morrie cũng trông chờ những cái
hôn đó như đứa bé mới sinh ngóng bầu sữa mẹ. Tự đáy lòng, Morrie thấy
mình lại có mẹ.
Tuy nhiên, cuộc sống của gia đình Charlie không vì thế mà bớt nghèo. Bây
giờ họ dời tới sống trong căn hộ một phòng xây bằng gạch mộc, tường
không trát vữa trên phố Tremont khu Bronx. Gần đó là khu giải trí của kiều
dân người Ý. Chiều chiều, các ông già kéo nhau ra chơi bóng gỗ. Dạo đó
đúng vào thời kỳ khủng hoảng kinh tế. Ở xưởng thuộc lông thú của cha
Morrie công việc thất thường và dĩ nhiên là lương hướng cũng chẳng được
mấy đồng. Lắm bữa, cả nhà ngồi quanh bàn ăn tối với độc món bánh mì
đen.
"Còn gì nữa không ạ?", David hỏi.
"Chẳng còn gì khác đâu, con", dì Eva đáp.
Hàng đêm, sau khi kéo mền đắp cho Morrie và David, dì Eva nán ngồi lại
bên giường hát cho chúng nghe bằng tiếng Do Thái. Những bài hát thật
buồn. Cậu bé Morrie nhớ mãi lời ca của một cô bé bán thuốc lá dạo:
Xin mời mua thuốc của tôi
Trời mưa không ướt, thuốc còn thơm nguyên.
Xin thương lấy kẻ phận nghèo
Xin thương lấy kẻ phận nghèo