Nhờ dì, trong cảnh khốn khó cậu bé Morrie vẫn biết yêu thương và chăm
sóc người khác. Hơn thế, dì Eva không bao giờ chấp nhận kết quả học tập
của Morrie và David dưới mức "xuất sắc". Theo bà, học tập là con đường
duy nhất thoát khỏi cảnh bần cùng. Bản thân dì mỗi ngày đều đặn tới lớp
đêm học thêm tiếng Anh. Từ bà, cậu bé Morrie thừa hưởng đức tính ham
thích học hành.
Đêm đêm, bên chiếc bàn ăn trong căn bếp nhỏ, cậu bé Morrie miệt mài làm
bài dưới ánh đèn tù mù. Sáng ra, cậu lại chịu khó dậy sớm tới nhà thờ cầu
nguyện cho mẹ. Đấy là lúc duy nhất cậu nhớ rằng mình còn một người mẹ
đã khuất. Ông Charlie dặn con không bao giờ được nhắc đến tên mẹ trước
mặt dì Eva, ông muốn rằng đối với David, dì Eva phải thực sự là mẹ ruột.
Nhưng việc này quả là gánh nặng quá sức đối với một đứa trẻ như Morrie.
Trong nhiều năm, đối với thầy Morrie bằng chứng duy nhất về sự tồn tại
của người mẹ đẻ chỉ là bức điện báo tin về cái chết của bà mà thầy đã giấu
biến nó cho riêng mình từ cái ngày tang tóc đó. Thầy sẽ giấu nó suốt quãng
đời còn lại.
Khi cậu bé Morrie bước vào tuổi thiếu niên, ông Charlie dắt cậu tới xưởng
thuộc lông thú xin việc làm. Thời kỳ kinh tế suy thoái vẫn chưa qua. Bước
vào xưởng, cậu bé cảm thấy như mình bị nhốt giữa bốn bức tường. Căn
phòng tối và nóng nục. Bậu cửa sổ đầy rác. Máy móc san sát. Chúng rít lên
ken két như bánh xe lửa nghiến trên đường ray. Bụi lông bay mù mịt khiến
không khí có vẻ như quánh lại. Nhũng người công nhân gò lưng khâu
những tấm da sống lại với nhau trong lúc viên đốc công rảo bước sau lưng
họ, miệng hò hét hối thúc mọi người nhanh tay hơn nữa. Đứng bên cạnh
cha, cậu bé Morrie cảm thấy nghẹt thở vì sợ hãi, cứ như chính cậu đang bị
viên đốc công chửi, mắng.
Tranh thủ thời gian nghỉ ăn trưa, ông Charlie dẫn con tới gặp viên đốc công
hỏi xem có việc gì thích hợp cho thằng con ông hay không. Thật tiếc, ở đây