Tiếp theo là bức thư của một người đàn ông Anh quốc. Bà cụ thân sinh ra
ông ta đã qua đời và ông ta nhờ thầy Morrie giúp liên lạc với bà cụ qua thế
giới tâm linh. Lại có một bức thư của một cặp vợ chồng xin được lái xe từ
Boston tới thăm thầy. Rồi một lá thư dài của một cựu nữ sinh viên kể
chuyện đời mình sau khi ra trường. Trong thư chị ta nhắc tới ba lần tự tử
không thành và những đứa trẻ chết từ trong bụng mẹ. Cô sinh viên cũ kể về
cái chết của người mẹ mắc căn bệnh ALS và sợ rằng là con chị ta cũng có
thể mắc căn bệnh quái ác đó. Toàn là những chuyện đại để như vậy. Hết
trang một là tới trang hai, trang ba rồi đến trang bốn.
Thầy Morrie ngồi im lặng nghe câu chuyện ác nghiệt dài dằng dặc. Khi bức
thư được đọc xong, thầy nhẹ nhàng nói: "Chúng ta sẽ trả lời sao đây?"
Mọi người im lặng. Cuối cùng Rob lên tiếng: "Cảm ơn chị đã gởi cho
chúng tôi lá thư thật là dài . Thế được chứ?"
Ai nấy bật cười. Thầy Morrie đưa mắt nhìn con trai, ánh mắt thầy trông thật
rạng rỡ.
Tờ báo nằm cạnh chiếc ghế tựa của thầy có đăng tấm hình một tay bóng
chày của đội Boston đang mỉm cười sau một cú ném bóng chặn đầu đối
phương. Trong số tất cả các bệnh tật trên đời này, thầy Morrie của tôi mắc
đúng căn bệnh được mang tên của một vận động viên.
“Thầy còn nhớ Lou Gehrig không?” Tôi hỏi.
“Ta nhớ hình ảnh của ông ta trên sân vận động, đang nói lời từ biệt.”
“Nếu vậy thầy hẳn còn nhớ câu nói nổi tiếng của ông ta.”
"Câu nào nhỉ?”
“Thầy ráng nhớ thử xem! Lou Gehrig. ‘Niềm tự hào của người Mỹ’. Bài
phát biểu vang vọng qua hệ thống loa ấy”
“Làm ơn nhắc ta đi”, thầy Morrie nói. “Con đọc thử xem nào.”
Qua khung cửa sổ, tôi nghe thấy tiếng xe tải gom rác. Mặc dầu tiết trời
nóng bức, thầy Morrie vẫn đánh chiếc áo tay dài, chân phủ tấm chăn, nước
da nhợt nhạt. Bệnh tật đã xâm chiếm cơ thể thầy.
Tôi cất cao giọng bắt chước Gehrig, tiếng của ông ta bị những bức tường