kiếm cơ hội để cảm ơn người khác, tôi nhận ra mình thực sự trở nên biết ơn hơn.
Và tôi càng bày tỏ lòng tốt, tôi càng bắt đầu cảm nhận được nó. Có gì đó rất
nhiệm màu về quá trình thoát khỏi cái tôi và tập trung vào người khác.
Tony Robbins đã dạy tôi rằng những khác biệt nho nhỏ trong cách ta hành
xử, qua thời gian, có một hiệu quả cộng dồn. Và hành động viết hàng trăm lá thư
ngắn mỗi năm này đã biến đổi tôi. Khởi đầu thật chẳng dễ dàng gì. Tôi thường
không biết phải viết gì hay viết cho ai. Thế là tôi viết cho bác gác cửa hay cô
phục vụ cà phê sáng. Nhiều khi tôi nghĩ mình thật ngớ ngẩn làm sao. Và tôi
không thấy hiệu quả tức thì. Giờ tôi mới thấy, đôi khi bạn cần đến năm năm để
thấy một hiệu quả rõ rệt, nên hầu hết mọi người đã bỏ cuộc rất sớm trước khi có
thể thu được lợi ích.
Khi cứ túc tắc gửi thư đi như thế, tôi bắt đầu cởi mở với mọi người một cách
trước giờ chưa từng có, và tôi bắt đầu nhận thấy mình có thể học hỏi từ những
người xung quanh. Theo cách hiểu của tôi, thói quen viết thư này là một cách
thức cực kỳ hiệu quả để tích lũy những việc làm tốt và những mối quan hệ thay vì
chỉ đơn thuần tích lũy tiền của. Người ta thường bảo rằng Einstein đã gọi tích lũy
là kỳ quan thứ tám của thế giới. Nhưng ứng dụng rất hẹp của câu nói này trong
tài chính, tức lãi kép (compound interest), có lẽ là ứng dụng ít thú vị và ít giá trị
nhất của hiện tượng này.
Hành trình viết thư của tôi khởi đầu như một cách để quảng bá quỹ, nhưng
dần dà, hành trình này cho tôi một cuộc sống phong phú mà tôi khó lòng tưởng
tượng được. Thay vì trở thành một người bán hàng giỏi, tôi nhận ra bản thân
mình bắt đầu quan tâm đến những người tôi viết thư và nghĩ cách giúp đỡ họ.
Nghịch lý là khi tôi càng sống thực với chính mình và không quan tâm đến những
gì tôi muốn, mọi người lại hứng thú đầu tư vào quỹ của tôi hơn. Đây là kết quả
không ngờ của việc trở nên dẹp bớt tính ích kỷ và thành thực hơn về chính mình.
Một vài năm sau khi tôi bắt đầu chiến dịch viết thư này, tôi gặp một sinh
viên Wharton tên Aaron Byrd. Cậu ta là một cậu trai tốt tính, và tôi lập tức có
thiện cảm với cậu ta, thế là tôi mời cậu vào thực tập ở chỗ tôi. Cuối mùa hè năm
ấy, Aaron bảo tôi rằng cậu sắp đi Chicago tham dự cuộc họp thường niên của một
nhà đầu tư tên là Mohnish Pabrai. Tôi chưa bao giờ nghe tiếng Mohnish, nhưng
Aaron nói Mohnish có lợi nhuận đầu tư khá khủng. Vậy nên tôi quyết định đi
cùng.