như phấn trắng trên những tảng đá cũ xưa, hay như muối biển, muối nặng và
chát trong các rãnh nước dưới lòng đại dương. Không chỉ có một Lullaby
ngồi dưới hiên ngôi nhà Hy Lạp cũ kỹ và điêu tàn này nữa. Mà có biết bao
nhiêu Lullaby, nhiều y như các đốm sáng trên những con sóng vậy.
Lullaby thấy bằng tất cả con mắt của mình, bằng tất cả bộ phận. Nó
thấy những thứ mà mình không thể tưởng tượng ra trước kia. Những thứ thật
bé, nơi ẩn náu của bọn côn trùng, hang ổ của lũ sâu bọ. Nó thấy lá của
những cây mọng nước, và rễ cây. Nó thấy những thứ to lớn, bên kia những
đám mây, những vì tinh tú sau bức màn của bầu trời, những chỏm băng vùng
cực, những thung lũng bao la, và những đỉnh núi vô tận dưới đáy đại dương.
Nó thấy tất cả những thứ ấy cùng một lúc, và mỗi cái nhìn kéo dài hàng
tháng và hàng năm trời. Có điều nó chỉ thấy nhưng không thấu đáo, là do
những chuyển động của cơ thể nó, rời rạc, đi khắp không gian để gặp nó.
Như thể cuối cùng thì, sau khi chết đi, nó cũng có cơ hội để chiêm
nghiệm những định luật hình thành nên thế giới này. Đó là những định luật
lạ lùng không giống những gì được viết trong sách vở hay được dạy trong
trường, mà ta đã thuộc nằm lòng. Chẳng hạn, định luật về đường chân trời
hấp dẫn cơ thể, một quy luật rất dài và mỏng manh, một nét vẻ dứt khoát nối
liền hai mặt cầu di động, một của trời và một của biển. Nơi đó, mọi thứ được
sinh ra, nảy nở, tạo ra những chuyến bay của các con số và các ký hiệu,
chúng che lấp mặt trời và bị đẩy tới một nơi xa lạ. Hay định luật về biển cả,
không có điểm bắt đầu lẫn điểm kết thúc, nơi mà những tia nắng đều tan ra.
Còn có định luật về bầu trời, định luật về gió, định luật mặt trời, mà ta
không tài nào hiểu được, vì những ký hiệu của chúng không thuộc về con
người.
Một lát sau, khi thức dậy, Lullaby cố gắng nhớ lại những điều đã thấy.
Nó ước mình có thể viết lại mọi thứ cho thầy Filippi, bởi không chừng thầy
sẽ hiểu tất cả những con số ấy và tất cả những ký hiệu ấy muốn nói gì.
Nhưng nó chỉ tìm được vài mẩu câu, mà nó lặp đi lặp lại như:
“nơi ta uống nước biển”