Trong khi bà An đi đâu đó, thì Tần theo bố đi dạo trong làng. "Lần này về
phải xây lại mộ cho mẹ con nó". Người vợ xấu số bị ông Hoè bỏ lửng vẫn
cứ ám ảnh. Bà Phụng vốn nhìn đời bằng con mắt mậu dịch viên thời bao
cấp, nên trong thâm tâm cũng không nể trọng thông gia lắm. Khi Đại dẫn
Linh về, bà đã bảo cô là con yêu tinh làm hại nhà này…
Nhưng rồi bà thấy, con trai bà rất yêu "con yêu tinh" ấy. "Con yêu tinh" lại
đẻ cho bà một đứa cháu khôi ngô. Nó biết chăm bẵm cháu bà. Rất biết nuôi
dạy cháu bà. Chứng kiến cảnh vợ chồng con cái nó quây quần bên nhau thế
này, bà thấy yên lòng. Xem nết ăn ở của con dâu, bà biết nó cũng được mẹ
dạy dỗ tử tế, chứ không phải như bà nghĩ ban đầu.
Đại cầm rổ ra vườn. Anh tuốt lá mấy khóm rau ngót, cấu ngọn cho nó đẻ
nhánh. Những ngọn mồng tơi nguềnh ngoàng trên bờ giậu bị Đại hái sạch.
Rau rền đỏ, rau rền trắng tốt ngang gối. Cả đám rau rền cơm loà xoà mặt
đất trong vườn cũng bị anh tỉ mẩn ngắt từng ngọn nhỏ. Sang đám rau đay
đỏ tía, anh cũng kiếm được một chét tay. Mấy chùm hoa và một quá mướp
hương hơn gang tay cũng được anh vặt xuống. Đúng là rau tập tàng đây.
Hồi còn trong quân ngũ, bòn được nắm rau thế này là quý lắm. Mà lạ, canh
cua rau tập tàng có cái vị rất riêng. Ngon lạ lùng.
Bà An về với giỏ của, con cá quá to vẫn còn đang cong mình giẫy giụa và
một mớ ốc. Đủ cả ốc bươu, ốc nhồi, ốc vặn. Loại này luộc mới ngon. Tay
vẫn xách con cá, bà An hỏi bà Phụng:
- Tôi định rán và nấu riêu. Không biết bà thích riêu me hay giấm bỗng,
hoặc dọc, khế?
Bà Phụng được hỏi, hả dạ lắm: