Nhưng ăn cái gì quen miệng, như món nước chấm hôm nay vẫn hợp khẩu
vị hơn.
Đến bữa trưa, bà An cho Linh đi mời ông anh chồng sang tiếp khách cùng
mình.
Mỗi khi về thăm mẹ, bao giờ Linh cũng đưa chồng con sang thăm bác và
dì, em ruột mẹ. Nhà nào cũng một túi quà, số lượng quà bánh cũng có khác
nhau, tuỳ theo "nhân khẩu" nhiều hay ít. Và bao giờ các bậc cao niên cũng
có những loại quà riêng, chứ không nhai kẹo cứng như bọn trẻ được. Với
hàng xóm xung quanh thì Linh thường tạt sang một mình. Đại bảo, đi đâu
em nên dắt con đi, nếu cần trong các mối quan hệ thì kéo cả anh đi, không
nhất thiết là với ai cũng phải kéo cả nhà đi, nhưng với ông trẻ và các bác thì
anh phải đi cùng.
Điều này thì Linh hiểu. Ý ăn không bằng ý ở. Cô lớn lên không phải chỉ
nhờ cha sinh mẹ dưỡng, mà còn nhờ tình làng nghĩa xóm, nhờ cái không
khí ấm áp làng quê này, cái khung cảnh đẹp tuyệt trần làng quê này.
Mẹ ở nhà làm cơm, Linh đưa bố mẹ chồng và em chồng ra thăm Chùa.
Chùa không tên, cứ gọi là Chùa làng thôi. Cũng không bề thế danh tiếng gì.
Nhưng tuổi thơ cô gắn liền với nó. Dạo hợp tác xã, tượng Phật bị xếp đống
lại một góc, hai gian làm lớp học cấp 1, một phần làm kho thóc. Sân Chùa
thành nơi trục lúa ban tối, sân phơi ban ngày. Sư thầy dạt đi đâu không biết.
Chùa chỉ còn các vãi qua lại chăm sóc.
Nhưng có một người đàn bà vẫn ở đấy, không biết từ bao giờ, cho đến bây
giờ. Hồi bé, Linh vẫn chơi với cô ấy. Cô ấy vẫn ôm Linh vào lòng. Hình
như cô khen Linh xinh đẹp, xinh như Linh sẽ nhiều con, hình như mẹ Linh
sẽ được nhờ cô con gái rượu này. Những lúc ra chơi thế nào Linh cũng