- Xa thế, ai đèo tôi đi? Ông đèo chắc? Mà vào siêu thị cũng phải ăn mặc
tươm tất. Bọn tôi quần áo thể dục sáng, quần áo mặc nhà cũng đi chợ được.
Ăn bao nhiêu mà phải khuân hàng siêu thị chất vào tủ lạnh. Hay gì cái thứ
của ướp lạnh ấy. Ở cửa hàng, họ đã ướp lạnh cả tháng chứ ít gì. Đây chỉ
mấy bước chân, rau tươi, cá đang giãy đành đạch, tội gì!
Ông Hoè nghĩ, loại chợ thuần tuý Việt Nam vẫn là nơi làm ăn của người
buôn bán nhỏ. Trừ mấy cửa hàng công nghiệp vốn liếng khá. Mà việc sắp
xếp loại này cũng dễ. Cái anh buôn bán nhỏ, phục vụ ăn uống, sinh hoạt
hằng ngày mới khó. Lại cũng phải nghĩ đến khía cạnh nhân sinh của vấn đề
đâu cứ dùng công an quản lý thị trường, dân phòng mà giải quyết được.
Đuổi chỗ này, chạy chỗ khác thôi.
Hôm sau Đại gọi điện cho em gái, cũng để hỏi ý kiến về chợ. Thảo Tần nói:
- Mai thứ bảy rồi, vợ chồng em mời ông bà, anh chị và cháu đến ăn cơm.
Em muốn thưa chuyện cháu Thuỳ Dương. Nhân thể sẽ trả lời câu hỏi của
anh. Để em còn chuẩn bị ý kiến chứ. Em gọi cháu Cường không được. Anh
gọi cháu hộ em.
Đại bảo:
- Cô kệ nó. Nó không tham gia những cuộc như thế này đâu. Hôm qua ông,
tôi và nó vừa làm một cuộc khảo sát về chợ nên muốn tranh thủ ý kiến nhà
giáo đấy.
Nói công việc thì hào hứng đấy. Nhưng một nỗi buồn sâu xa chợt đến với
Đại. Không nhẽ, không bao giờ Cường có mặt trong những cuộc gặp mặt
đông đủ cả nhà?