bình yên giữa một đất nước nát ta vì bom đạn.
Bé Oanh về lúc hai người đang ăn cơm. Con bé mặc " đầm " trông thật
sang và dễ thương làm Nhàn không thể không nghĩ tới bé Lisa với hình ảnh
tương phản - một "Đầm con" quanh năm mặc quần áo Việt Nam. Bé Oanh
khoanh tay chào khách rồi ôm cổ mẹ hôn. Xuân hôn con, âu yếm nói:
- Con đi thay quần áo, rửa mặt rửa tay rồi ra ăn cơm. Đây là Bác Nhàn,
bạn học của mẹ từ hồi còn nhỏ.
Bé Oanh nhìn vết thương được dán băng keo trên trán Nhàn, dạn dĩ hỏi:
- Trán bác làm sao thế?
Xuân cười, nói đùa:
- Bác với me đánh nhau đến sứt trán rồi mới nhận ra nhau đấy!
Bé Oanh cười khanh khách. Nhàn cũng cười nhưng không khỏI tự hỏi
cảnh bình an hạnh phúc này còn kéo dài trong bao lâu.
Cơm nước xong, Xuân đưa Nhàn đi coi các phòng trong nhà. Một tổ ấm
trong mộng.
- Mày coi đó, Nhàn... - Xuân bỗng mếu máo - Bây giờ phải bỏ hết để chạy
lấy thân mà không biết có thoát không. Không biết tổ tiên mình làm điều
gì tàn ác mà con cháu bây giờ phải trả như thế này?
Xuân buông mình ngồi xuống một chiếc giường và ôm mặt khóc rưng rức.
Nhàn ngồi xuống bên cạnh bạn, và bỗng nhận ra mình vừa đóng vai người
an ủi bất đắc dĩ vừa tự an ủi chính mình. Cô ôm vai bạn, nói:
- Tao vừa đem ba đứa con chạy từ Pleiku về đây an toàn. Ai cũng bảo là
đại phước. Chữ "đại phước" thật là cay đắng, mỉa mai... Nhưng, nếu mày
thấy được người ta đã chết dọc đường di tản ra sao... Đây là tai ách chung
của mọi người, một cơn đại hồng thuỷ... Nếu người ta nói tao " đại phước "
thì mày là... đại đại phước. Nên cảm ơn Trời Phật...
Xuân ngưng khóc, rên rỉ:
- Biết có Trời Phật hay không?... Bây giờ mày ở đâu?
- Ở nhờ nhà ba má tao trên Lái Thiêu. Cũng còn may là có chỗ nương thân
cho mấy mẹ con.
- Còn chồng mày?
- Anh ấy mất liên lạc cùng với cả đơn vị trên Pleiku. Hôm nay tao xuống