- Vâng. Tôi bằng lòng nói hết những gì tôi biết.
- Tốt. Chúc bà may mắn trong đời sống mới tại Hiệp Chủng Quốc Hoa
Kỳ.
Bà Lan cám ơn và dắt hai đứa con đi ra. Smith quay sang nói với Nhàn:
- Tôi muốn điên cái đầu. Người Mỹ cứ tưởng rút chân được ra khỏi Việt
Nam là xong mọi chuyện, là không còn liên hệ và chấm dứt nhức đầu.
Nhưng nay thì mọi người mới biết là mình đã lầm.
Nhàn cười và không nói gì nhưng thầm nghĩ: "Tại sao cái dân tộc vĩ đại và
hào hiệp này cứ bị nhìn như những tên ngốc?"
- You thấy việc ấy buồn cười lắm sao? - Smith hỏi.
- Không. - Nhàn vội chữa. - Tôi vừa nhớ tới lời đồn loan truyền ở Việt
Nam rằng người Mỹ rút khỏi nước chúng tôi là muốn để dân Việt Nam nếm
mùi cộng sản để sẽ... trở lại đánh cho dễ.
Mặt Smith ngớ ra và hình như văng tục thầm trong họng.
Những lúc không làm việc tại phòng phỏng vấn, thỉnh thoảng Nhàn tới
thăm những người đồng hành sống sót trong chuyến vượt biên. Mười bốn
người. Không gia đình nào còn nguyên vẹn, trừ chủ tàu. Vì vậy, Lê Sang
bị tố cáo là co chỗ giấu nước ngọt và lương thực bí mật trên tàu khiến y
phải mòn lưỡi thanh minh nhưng vẫn bị nhìn một cách ác cảm. Người ta
ghét y và ghét chiếc tàu xui xẻo của y. Nhàn là người duy nhất tới thăm Lê
Sang.
- Thật tầm bậy hết sức. - Lê Sang phân bua với Nhàn. - Tôi cũng đã nằm
mê man chờ chết như mọi người, có biết trời đất gì đâu. Mấy chục cây
vàng bà con góp cho tôi cũng bị đốt tiêu với tàu. Vậy mà còn có người tố
cáo với Cao uỷ Tị nạn khiến tôi bị điều tra, hỏi tới hỏi lui. Nếu "họ" để cho
sống thì chẳng ai đi làm gì. Qua đến đây, ai cũng khổ cả mà còn không
thương nhau. Tôi nhờ trời thương nên còn đủ gia đình chớ có hơn gì ai
đâu?
Vậy ra "trời" ghét những người đã chết? Nhàn nghĩ thầm. Và cô không tin
có một đấng chí công nào trong cuộc sống của loài người trên mặt đất này.
Kẻ ác vẫn sống để tiếp tục gây tội và người tốt vẫn tiếp tục chết. Cô
thường nhìn ra biển khơi tự hỏi bao nhiêu người đã bỏ mình trên đường