hay không? Và y có nhận ra "con vợ lính ngụy phản động" ngày nào
không?
Đêm hôm ấy, Nhàn ngủ không yên. Nằm trên chiếc giường ghép bằng mấy
tấm ván thùng trong túp lều cửa rả sơ sài nhìn ra bên ngoài trăng sáng
vằng vặc, Nhàn có cảm giác sợ hãi giống như những ngày còn ở Việt Nam
thường theo đuổi ám ảnh cô trong những cơn ác mộng. Nhưng đây không
phải nỗi sợ hãi trong những giấc mơ. Có thật cô đã thoát khỏi móng vuốt
của một guồng máy cuồng bạo? Biết đâu tên công an cũng đã nhận ra cô
và sẽ tìm cách giết cô để tránh bị bại lộ tung tích? Nhìn mấy đứa trẻ đang
ngủ say bên cạnh, Nhàn trằn trọc cho đến gần sáng mới chợp mắt được một
lúc.
Trời vừa sáng, loa phóng thanh trong trại đã oang oang loan báo lệnh giới
nghiêm, yêu cầu mọi người không được ra khỏi nhà cho đến khi có lệnh
mới. Không bao lâu, tin xảy ra án mạng đã được loan truyền khắp trại.
Viên công an trá hình đã bị giết chết một cách bí mật. Cái xác bị đâm nát
bỏ nằm bên một bụi cây ngoài bãi biển. Cảnh sát Mã Lai đi từng nhà tìm
kiếm tang vật và nghi can nhưng có lẽ cũng chỉ làm chiếu lệ nên không tìm
ra manh mối gì. Tới gần trưa, lệnh giới nghiêm được giải tỏa, và đời sống
trên đảo trở lại bình thường với đủ thứ tin đồn về vụ án mạng. Ai đã giết
Bảy Kế? Một nạn nhân của y, hay chính một đồng chí của y được bí mật
gửi ra để thi hành lệnh thanh toán một tên phản đảng? Dĩ nhiên là không ai
biết rõ vì thủ phạm đã không để lại dấu vết gì.
Các chuyến rời trại đi định cư bị đình hoãn ba ngày rồi cũng lại tiêp tục.
Các viên chức Mỹ không tới trại vài ngày nhưng sau đó công việc phỏng
vấn người tị nạn cũng trở lại bình thường. Và Nhàn cũng trở lại với công
việc thông dịch, với người khách đầu tiên là vợ của viên công an. Bà ta dắt
theo hai đứa con nhỏ, và không có vẻ u buồn của một goá phụ có chồng
vừa chết một cách thảm khốc.
Adam Smith chào người đàn bà bằng một câu tiếng Việt không có dấu
(chao ba manh gioi) và hỏi bằng tiếng Anh:
- Bà Nguyễn Thị Lan, bà có nói được tiếng Anh?
Người đàn bà lắc đầu. Smith quay sang nói với Nhàn: