- Quả thật đúng là chúng không khủng khiếp như bây giờ, - bà tôi nói
một cách chắc chắn.
Bà tôi nhớ cái hồi ông tôi còn trẻ đã bị người Đức bắt làm tù binh. Hồi
đó là chiến tranh thế giới lần thứ nhất. Ông tôi bị đưa đến làm việc cho một
chủ trại Đức. Chẳng có lính áp giải mà cũng chẳng có dây thép gai. Ông tôi
cùng làm việc với mọi người ở trong trại và ăn cơm cùng với gia đình chủ
trại. Đệm nằm của ông tôi thì êm đến mức lúc đầu ông tôi khó ngủ vì
không quen.
Hai bà cháu tôi đứng nhìn qua cửa sổ xem các tù binh có lính áp giải đi
làm việc. Một người trong số đó do kiệt sức, đi hơi chậm lại đã bị tên lính
áp giải quật tàn nhẫn vào chân.
Lúc đó tôi đã nghĩ ra rằng chủ nghĩa phát xít đã biến con người thành
con thú. Cho dù anh là người Đức, người E-xtô-ni-a hay một dân tộc nào
khác cũng chẳng có nghĩa lý gì. Nhưng nếu anh trở thành tên phát xít thì
anh không còn là con người. Tôi nói suy nghĩ của tôi cho bà biết. Còn bà
tôi thì nghĩ rằng còn người phải luôn luôn là con người. Lúc đó tôi còn nghĩ
rằng: điều khủng khiếp nhất là nhìn bề ngoài tên phát xít vẫn giống hệt
những người khác.
Tù binh bị bắt đi dọn tuyết ở các phố xá. Những người đi đường thỉnh
thoảng lại cho tù binh bánh mì, hoặc một ít thức ăn. Việc làm ấy bị cấm. Và
bọn lính áp giải lần nào cũng quát người ta phải đi xa ra. Nhưng mặc cho
chúng cấm đoán, người ta vẫn cho những tù binh thứ này thứ nọ.
Một hôm có tốp tù binh phải cạo tuyết ở cạnh nhà chúng tôi. Trời rất
lạnh. Tù binh có xẻng, nhưng lại không có găng tay bảo hộ. Tay họ tím lại
và tê đi vì lạnh.
Lúc ấy mẹ tôi bảo tôi:
- Nhà ta có đôi găng tay của bố con đấy. Con đem ra cho người tù binh
nào cũng được.
Tôi thật sung sướng thấy mẹ tôi bằng lòng đem cho tù binh đôi găng tay
của bố tôi.