Bản thân mình không muốn, thì người khác nhất định sẽ không
muốn, do đó, không được đùn đẩy cho người khác. Chúng ta có thể
rút ra kết luận như thế này: Bản chất của “điều mình không
muốn làm thì không bắt người khác làm” là đặt mình vào người
khác – nghĩ đến mình cũng phải nghĩ đến người khác. Bản thân
mình không muốn thì phải nghĩ cho người khác là bản thân họ cũng
giống mình, cũng sẽ không muốn. Như vậy, nói ngược lại, cái mà
bản thân hy vọng, mong muốn đạt được thì người khác cũng mong
muốn, cũng hy vọng có được.
Kỉ dục lập nhi lập nhân, kỉ dục đạt nhi đạt nhân
Mình muốn lập thân thì cũng phải giúp người khác lập thân,
mình muốn thành công thì cũng phải giúp người khác thành công.
- Ung Dã - Chương 6.28
Khi bản thân muốn đứng vững thì cũng phải giúp đỡ người khác
đứng vững, khi bản thân muốn phát triển thì cũng phải giúp đỡ
người khác phát triển. Đây là mặt tích cực có đi có lại, cũng là một
trong những nội dung quan trọng của “nhân”.
Tử Cống là một trong những môn sinh thông minh nhất của
Khổng Tử rất giỏi về bàn luận.
Một lần, ông hỏi Khổng Tử: “Nếu có người biết chăm sóc, lo
lắng cho nhân dân, giúp đỡ mọi người, như vậy có thể gọi là người
nhân được không?” Khổng Tử nghe xong liền đáp: “Sao chỉ gọi là
người nhân thôi? Ắt gọi là bậc thánh mới xứng. Cho dù là vua
Nghiêu, vua Thuấn cũng khó có thể làm được! Người nhân muốn
đứng vững thì cũng giúp đỡ người khác đứng vững, bản thân mình
muốn phát triển thì cũng giúp đỡ người khác phát triển. Hễ xử với
mình thế nào thì cũng xử với người chung quanh mình thế ấy. Đó
là những phương pháp thi hành để trở nên người nhân đức.”