Đoạn thơ này tối nghĩa, nhất là vì câu thơ thứ tư thiếu tính từ, nhưng nghĩa của nó sẽ
rõ nếu ta điền vào chỗ thiếu, như người ta thường làm, một từ có nghĩa là “hào phóng” hay
“tiêu hoang”. Câu thơ thứ ba cũng khó hiểu, ông Cassel dịch: “không lấy quà người ta tặng
cho mình”. Còn ông Cahen thì dịch sát theo từng chữ. Trong thư gửi cho chúng tôi, ông viết
như sau: “Cách diễn đạt không ró ràng. Nhiều người hiểu: “đến mức ông ta khó chịu khi nhận
quà”, trong khi nhiều người khác lại lý giải: “đến mức nhận quà không bao hàm sự bắt buộc
phải đáp tặng”. Dĩ nhiên, tôi theo lối lý giải thứ hai”. Dù không tinh thông tiếng Bắc Âu cổ,
chúng tôi mạn phép lý giải một cách khác. Cách biểu đạt hiển nhiên tương ứng với một câu
trích dẫn (centon) như kiểu “nhận là được nhận” [recevoir est reçu]. Nếu ta theo cách lý giải
đó, câu thơ có lẽ ám chỉ trạng thái tinh thần của người khách và người được khách đến thăm,
cả hai được giả định thể hiện lòng hiếu khách hay biếu tặng các món quà của mình như thể họ
chẳng bao giờ chờ đợi sẽ được đáp tặng. Tuy thế mỗi người cũng nhận các món quà của người
khách hoặc các cung ứng-đáp trả (contre-prestation) của người đón khách, bởi vì chúng là của
cải và cũng là một phương tiện để củng cố hợp đồng mà chúng là bộ phận cần thiết.
Theo chúng tôi, dường như ta có thể nhận ra trong các đoạn thơ này một phần cổ xưa
hơn. Tất cả các đoạn đều có cùng một cấu trúc, kỳ lạ và rõ ràng. Trong mỗi đoạn có một câu
trích dẫn về luật làm trung tâm: “đến mức nhận không phải là được nhận” (39), “những người
đáp tặng nhau quà là bằng hữu” (41), “đáp tặng quà sau khi nhận được quà” (42), “phải để
hồn anh quyện vào hồn bạn và phải trao đổi các món quà” (44), “người hà tiện luôn sợ quà
tặng” (48), “một món quà được tặng luôn chờ đợi một món quà đáp tặng” (145), v.v... Đúng là
một sưu tập các câu ngạn ngữ. Một câu cách ngôn hay một quy tắc luôn có câu bình luận triển
khai nó. Như vậy, ở đây chúng ta gặp không những một hình thái luật lệ rất cổ, mà ngay cả
một hình thái văn chương rất cổ.