Trong lúc mặc áo quần, Al Obaydi không thể không thắc mắc có phải
chăng mỗi thành viên của Hội đồng An ninh đều phải thông qua nỗi nhục
như thế mỗi lần Saddam triệu tập một phiên họp của Hội đồng Chỉ huy Cách
mạng.
Lệnh trở về Baghdad để báo cáo cho vị Sayedi những tin tức mới nhất về
công việc gần đây, như vị Đại sứ tại Liên Hiệp Quốc đã mô tả chỉ thị khiến
lòng Al Obaydi tràn đầy lo sợ cho dù sau cuộc gặp gỡ cùng với Cavalli. Ông
ta đã cảm thấy mình thừa sức trả lời bất kỳ câu hỏi nào mà vị Tổng thống có
thể đặt ra cho ông ta.
Có lần Al Obaydi đã đến Baghdad sau một cuộc hành trình tưởng chừng
không bao giờ chấm dứt xuyên qua Jordan – những chuyến bay trực tiếp bị
đình chỉ như là một phần trừng phạt của Liên Hiệp Quốc – ông ta đã không
được phép nghỉ ngơi hoặc thậm chí thay đổi áo quần. Ông ta đã được đưa
thẳng tới đại bản doanh Baath trong một chiếc Mercedes màu đen.
Khi Al Obaydi mặc xong áo quần, ông ta soi lại mình trong một tấm
gương nhỏ trên tường. Y phục của ông ta trong dịp này khá khiêm tốn so với
những bộ ông ta đã bỏ lại trong căn hộ ở New York: com lê Sabs ở đại lộ 5,
áo thu Valentino, giày Church và một đồng hồ tay Cartier bằng vàng khối.
Tất cả những thứ đó bị gạt ra để ủng hộ cho một bộ y phục Ả Rập rẻ tiền mà
ông ta đã giũ lại tận dưới đáy ngăn kéo tủ áo của ông ta tại Manhattan.
Sau khi Al Obaydi soi gương xong, một gã vệ binh ra hiệu cho ông ta đi
theo trong lúc cánh cửa ở cuối phòng mở ra lần đầu tiên. Sự tương phản với
cảnh tượng trơ trụi không khác gì một trại lính của phòng kiểm tra khiến ông
ta hết sức ngạc nhiên. Một hành lang trải thảm dày sơn lòe loẹt được soi
sáng trưng bởi nhiều ngọn đèn treo chỉ cách nhau mấy bước.
Viên Phó Đại sứ đi theo gã vệ binh trong hành lang, cứ thêm mỗi bước lại
thấy rõ hơn cánh cửa đồ sộ sơn vàng lù lù ở phía trước ông ta. Nhưng khi
ông ta chỉ còn cách mấy bước, gã vệ binh chợt mở một cánh cửa bên và dẫn
ông ta vào trong một tiền sảnh cũng sang trọng không kém hành lang.