cho ba tôi quay về. Tôi biết, mẹ làm điều đó là vì tôi. Nhưng mẹ
quyết định ở hẳn nơi miền quê này mà không trở về thành phố
nữa, đó là cách duy nhất để tẩy xoá đi ký ức đau buồn mà ba đã gây
ra.
Ba vẫn thường xuyên vắng nhà như trước. Mỗi lúc rảnh rang, ông
lại mang cuốc ra sau nhà xới đất trồng khoai rồi đào khoai, còn
tôi thì xách giỏ chạy theo nhặt những củ khoai mập tròn. Tôi tưởng
tượng đến một buổi tối cả nhà sum vầy bên nồi khoai xem tivi
cùng nhau, một hình ảnh hạnh phúc mà tôi đã từng mô tả trong bài
văn viết ở lớp và được điểm cao. Có ngờ đâu đào khoai, ăn tối xong
thì ông cũng khoác áo đi mất. Tôi ngóng hoài, ngóng hoài tiếng xe
của ông suốt đêm nhưng đều là những tiếng động xa lạ của người
qua đường. Chờ đợi một lúc, tôi chìm vào giấc ngủ lúc nào chẳng
hay, để rồi sự ngóng trông đó kéo dài từ ngày này qua ngày khác.
Khoai thì đã vơi dần đi, nhưng chưa bao giờ tôi có được hình ảnh
như trong bài văn mà tôi đã viết. Đôi lúc, tôi tự hỏi, làm thế nào
mà tôi luôn được điểm cao môn văn, nhất là những bài văn nói về
gia đình? Vì gia đình của tôi thật sự hạnh phúc như thế, hay bởi
khao khát hạnh phúc trong tôi đã quá lớn, đến mức tôi có thể tự tay
tô vẽ nên những viễn cảnh viển vông?
Những ngày hè oi ả nơi miền quê cằn cỗi, tiếng ve kêu rợp trời,
nắng vàng chói loá trên những đôi cánh bướm bay dập dìu. Tôi đạp
chiếc xe mini nhỏ xíu dành cho trẻ em đi học. Mẹ nói mãi mà tôi
chẳng chịu đổi chiếc xe lớn hơn, đơn giản vì tôi nhát. Sau giờ học, tôi
thường hì hục đạp xe thật nhanh về nhà, trên ghi đông vắt vẻo một
bịch khi là chè, khi là bánh, khi lại là bắp rang đường. Tôi mua cho
ba, vì ở nhà, chỉ có hai cha con là thích ăn vặt. Ba ngồi trong nhà,
nhìn ra xa thấy con gái mua quà cho mình thì cũng được dịp lên mặt
với mẹ: “Em thấy chưa, con thương anh ghê hôn!” Ba tôi hoàn toàn
có quyền tự hào như vậy vì tôi đã dành cho cho ông một tình yêu vô