cho tôi mang về nhà. Quê bà nội tôi có một món bánh truyền
thống rất ngon gọi là “bánh Tổ”. Mỗi năm, bà đều gửi người ngoài
quê mang vào cho ba vì ba rất thích ăn món đó.
Khi bệnh tình của ba đã thuyên giảm, ba mẹ bàn với nhau việc
sinh thêm em bé cho tôi có chị có em. Tôi hào hứng lắm. Tôi thậm
chí đã lấy giấy ra, hỏi mẹ và ghi lại cẩn thận những chi phí cần
thiết cho việc sinh em bé. Chi phí khá là nhiều khiến tôi “đau
đầu” tính toán không biết phải làm gì để đủ tiền lo cho em tôi.
Ba tôi có một chiếc xe bán tải cũ, chính xác thì chiếc xe đó từng
là của bác Hai. Ba dùng nó để chở một vài thứ nông sản hoặc gà vịt
mà nhà tôi trồng hoặc nuôi được xuống thành phố cho khách
hàng có nhu cầu, hoặc chỉ đơn giản là mang của nhà trồng được
đến biếu một số họ hàng. Trong mắt tôi, ba là một người đàn ông
chất phác, sống đơn giản và tốt bụng. Đã có lần, ông cùng tôi
ngồi hàng giờ trước cổng nhà một người họ hàng bên ngoại của tôi
chỉ để đợi họ về mà biếu một giỏ vú sữa chín mọng. Tôi vẫn thường
cảm nhận được rằng họ tỏ ra xem thường ba tôi, xem thường bộ
quần áo bạc thếch mà ông mặc trên người, xem thường cả món quà
quê mà họ dễ dàng mua được nơi phố thị tấp nập. Nhưng ba thì
không lấy đó làm phiền lòng, ông vui vẻ vì sự chia sẻ của mình,
không bận tâm đến cách người khác nhìn và đánh giá về mình. Đó
là điều khiến tôi ngưỡng mộ và tự hào về ba mình. Một buổi
chiều nọ, tôi được ba lấy xe đưa đi tắm sông, sẵn tiện chở thêm
một vài thùng nước lấy dưới sông về nấu ăn vì ở vùng quê tôi
sống, đa phần nguồn nước giếng đều bị nhiễm phèn và vôi,
giếng nhà tôi cũng không ngoại lệ. Vì thế, nước giếng chỉ để tắm
giặt chứ không thể sử dụng để nấu nướng.
Đang ngụp lặn dưới sông, tôi nhìn thấy trên đường bầy bò và
nghé con đi hiên ngang. Trong đầu tôi chợt loé lên một suy nghĩ.
Trên đường về nhà, tôi hỏi ba: “Ba, bò con có đắt không hả ba?”