trong một con hẻm nhỏ hai xe máy ngược chiều phải né nhau. Thầy
sống kín đáo và có phần đạm bạc, môn sinh cũng không nhiều,
thêm tôi nữa thì chỉ khoảng mười đứa đổ lại. Ít khi nào tôi thấy
thầy ra khỏi nhà, thầy chỉ sống một mình, tôi không thấy vợ con
thầy, cơm nước thầy đều tự lo mà không cần ai giúp đỡ.
Được vài khắc, thầy lại châm nước đầy bình. Bất ngờ, thầy
đặt ấm trà xuống đánh “cạch” một tiếng và nhìn tôi khiến tôi giật
nảy mình vì mải suy nghĩ đã quên mất lý do thầy bảo tôi ngồi ở
đây. Thầy hỏi tôi: “Nãy giờ, An có thấy thầy làm gì không?”
Tôi nhìn thầy rồi khẽ khàng đáp: “Dạ… Thầy đang pha trà ạ!”
Mỉm cười, khoé mắt thầy nheo lại theo độ cong của khuôn
miệng.
“An à, pha trà cũng là một nghệ thuật, con có biết không? Người
ta phải thật từ tốn trong việc châm nước cho trà bởi vì nếu hấp
tấp châm đầy một lần, con sẽ không có được ấm trà ngon.
Muốn trà được ngon, uống vào còn nghe vị thanh ngọt nơi cổ họng
thì nước châm trà phải là loại nước vừa sôi gờn gợn, nhất định không
được dùng nước sôi già để châm vì nó sẽ làm bình trà của con chát
đắng.”
Tôi ngẩn ngơ nuốt từng lời thầy nói nhưng vẫn chưa thật sự hiểu
hết ý tứ trong câu nói của thầy. Rót chén trà đầu tiên, thầy đẩy
tách trà về phía tôi, ra hiệu cho tôi nếm thử. Quả thực tôi không
biết uống trà, cầm tách trên tay, tôi đánh ực trong một giây
khiến thầy nửa muốn cười nhưng lại nửa kìm lại. Tự rót cho mình
tách thứ hai, thầy thong dong nói: “Nếu vội vàng, con sẽ không thể
cảm nhận được cái ngon cái dở của vị trà, càng không thấy được cái
ngọt đằng sau vị chát. Nếu nóng nảy vô chừng, con sẽ chỉ nhận lại