tục theo đuổi. Thỉnh thoảng, chú cho tôi mượn vài cuốn sách và
thường hỏi lại cảm nhận của tôi sau khi đọc xong. Tôi bắt đầu trở
lại với đam mê đọc sách của mình, thứ đam mê mà tôi đã bỏ quên
quá lâu.
Một đêm nọ, khi trời đã về khuya, đường xá thưa thớt tiếng xe,
bỗng dưng, tôi đau bụng dữ dội và nôn oẹ không ngừng. Mẹ hoảng
hốt gọi xe đưa tôi đi bệnh viện. Có phải một lần trải qua việc làm
mẹ đơn thân thì mới thấu hiểu được hết sự tủi hờn của một người
mẹ tự đưa đứa con thơ dại của mình đến bệnh viện trong đêm khuya
mà không có ai bên cạnh. Mẹ con tôi cũng không biết phải gọi cho
ai, bởi chỉ có những người thân, rất thân mới sẵn sàng lao đến với
nhau vào cái giờ mà ai cũng đã say giấc nồng.
Tiếng băng ca rầm rập, phòng cấp cứu nồng nặc hơi người,
tiếng bước chân xầm xập và tiếng rên rỉ của các bệnh nhân xung
quanh. Mùi mồ hôi, mùi dịch, mùi thuốc, mùi máu hoà lẫn vào
nhau tạo nên một cảm giác lờm lợm khó tả. Mẹ tôi đứng ngoài, thấp
thỏm, âu lo. Chúng tôi bơ vơ quá, tôi ước giá như có ba tôi đứng ở
ngoài cùng với mẹ để bà đỡ chông chênh mà tôi cũng đỡ sợ hơn. Tôi
quả thật rất sợ.
“Ba ơi, con sợ lắm!” Tiếng lòng tôi đã thét vang như thế,
nhưng chẳng có hồi đáp. Kia kìa, đứa trẻ nào vào đây cấp cứu cũng
có ba ở bên cạnh, họ âu yếm nó kìa, họ hôn nó kìa, tôi thèm như
thế biết mấy! Bất chợt, tôi nhìn thấy bóng dáng chú Lĩnh, chú
ấy đã đến tự bao giờ? Chú đứng cạnh mẹ tôi, có vẻ như đang cố
trấn an bà. Chú Lĩnh là một người em kết nghĩa lâu năm của gia
đình tôi, chú cũng là một cán bộ công an. Chú xem mẹ con tôi như
những người thân thật sự, và như thế, chú mới đứng ở đó.
Sáng sớm hôm sau, tôi được về nhà sau một đêm truyền nước
biển. Cơn ngộ độc thực phẩm nhẹ vào đêm qua khiến tôi kiệt sức, tôi