Ngũ Tổ thấy đại chúng kinh ngạc, sợ rằng có người ám sát Huệ Năng. Do
câu nói này, chúng ta có thể biết tình hình tranh giành thế lực thời đó ghê
gớm như vậy. Đồ đảng của Thần Tú đã nắm hết các thế lực, nếu không phải
như vậy thì Ngũ Tổ làm sao sợ có người muốn sát hại Huệ Năng?
Ngũ Tổ bèn lấy gót giày chùi bài kệ và nói:
–Đây cũng chưa kiến tánh, nghĩa lý của bài kệ không đúng.
Quý vị nghe đến đây, có người nghĩ rằng: "Ngũ Tổ mà cũng vọng ngữ? Bài
kệ đầu tiên Ngài nói với mọi người tụng bài kệ này sẽ không đọa vào ba
đường ác đạo, có thể đạt được lợi ích lớn, có thể kiến tánh, nhưng thật ra
tụng bài kệ này cũng không có lợi ích lớn, cũng không thể không đọa lạc
tam đồ. Sau khi Ngũ Tổ nói như vậy, Thần Tú đứng ra thừa nhận đây là bài
kệ do mình làm. Nay bài kệ của Huệ Năng làm là bài kệ kiến tánh, nhưng
ngược lại Ngũ Tổ lại nói với mọi người chưa có kiến tánh. Đây không phải
là vọng ngữ hay sao?"
Thật ra đây gọi là pháp phương tiện, là quyền pháp, không phải là nói vọng
ngữ. Vì Ngài muốn bảo hộ Huệ Năng, khiến cho Phật pháp lưu truyền và
bảo tồn lâu dài, không muốn có người làm hại Lục Tổ, cho nên nói pháp
phương tiện như vậy.
Đại chúng nghe Ngũ Tổ nói chưa kiến tánh, liền tin tưởng không còn nghi
ngờ, vì mọi người cũng không biết bài kệ nào mới đúng. Bài kệ kia nói Bồ
đề hữu thọ. Bài kệ này nói Bồ đề vô thọ. Bài kệ kia nói Minh cảnh thị đài.
Bài kệ này nói Minh cảnh phi đài. Thật là không nhất trí, không có ai hiểu
rõ vấn đề này được. Chính vì chưa có ai khai ngộ, cho nên đối với bài kệ
khai ngộ không thể nhận thức được. Giống như trình luận án Tiến sĩ, cần
phải có người có học vị Tiến sĩ mới có thể thẩm tra, xét duyệt, người chỉ có
học vị Thạc sĩ thì không thể nhận thức được. Khai ngộ và chưa khai ngộ
cũng giống như vậy.