Một ngày nọ, Lục Tổ Đại sư khởi lên ý tưởng:
–Nay đã đến lúc cần phải hoằng pháp, ta không thể suốt đời ẩn trốn như thế
này được.
Vì thế Ngài rời khỏi Tứ Hội đi đến Chùa Pháp Tánh ở Quảng Châu, gặp lúc
Pháp sư Ấn Tông đang giảng Kinh Niết Bàn. Trong lúc giảng kinh, có gió
thổi làm lay động những lá phướng. Lúc đó có một vị Tăng nói:
–Đây là gió động.
Một vị Tăng khác nói:
–Đây là phướng động.
Hai người tranh chấp không ngừng. Lục Tổ nói với họ rằng:
–Nhân giả, đó là tâm của các ông động! Nếu tâm ông không động, thì gió
cũng không động, phướng cũng không động.
Lúc đó thính chúng nghe Ngài nói như vậy đều cảm thấy vô cùng huyền
diệu. Thật là một lời nói kinh động cả tứ chúng.
Pháp sư Ấn Tông mời Lục Tổ Đại sư thăng tòa, thỉnh Ngài khai thị đạo lý
huyền diệu trong kinh. Pháp sư Ấn Tông nhận thấy Lục Tổ Đại sư tuy
thuyết giảng rất đơn giản, nhưng lý luận chính xác, không do văn tự giải
thuyết, vì thế vô cùng kính phục nên nói:
–Hành giả, Ngài nhất định không phải là người tầm thường. Tôi nghe từ lâu
y bát của Hoàng Mai đã truyền về phương Nam, có phải chính là Ngài
không?
Lục Tổ Đại sư trả lời:
–Tôi không dám.