Đại sư lên tòa giảng, bảo đại chúng rằng: "Các ngươi phải tịnh tâm mà
niệm Ma ha Bát nhã Ba la mật đa."
Giảng:
Bát nhã là tiếng Phạn, dịch là trí huệ, có ba nghĩa: Văn tự Bát nhã, Quán
chiếu Bát nhã, Thực tướng Bát nhã. Vì Bát nhã có đầy đủ ba loại ý nghĩa,
cho nên tôn trọng mà để nguyên âm tiếng Phạn không dịch nghĩa. Đại sư
giảng về nhân duyên của Bát nhã, là theo lời yêu cầu của đại chúng.
Hôm sau, Thứ sử Vi Cừ thỉnh cầu Lục Tổ giảng Phật pháp, vì thế Lục Tổ
Đại sư bèn lên tòa giảng mà tuyên thị đại chúng:
–Quý vị nay phải thanh tịnh tâm niệm, không nên vọng tưởng, cần phải
nhất tâm nghe pháp, đầu tiên hãy niệm Ma ha Bát nhã Ba la mật đa.
*
Ngài lại dạy rằng: "Nầy Chư Thiện tri thức! Cái trí Bồ đề Bát nhã,
người thế gian vốn tự có, nhưng bởi tâm mê, nên chẳng tự ngộ được.
Phải cầu bực đại Thiện tri thức chỉ dẫn cho mới thấy tánh. Phải biết
rằng dầu kẻ ngu hay người trí cũng đồng có Phật tánh giống nhau
không khác. Nhưng bởi tâm mê ngộ chẳng đồng mới có kẻ ngu người
trí. Vì đó nên nay ta mới nói pháp Ma ha Bát nhã Ba la mật, khiến cho
mọi người đều đặng trí huệ. Hãy chú ý mà nghe cho rõ, ta vì đại chúng
mà nói pháp đây.
Chư Thiện tri thức! Người thế gian suốt ngày miệng niệm Bát nhã, mà
chẳng biết Bát nhã trong tánh mình, cũng như nói ăn mà chẳng no.
Miệng chỉ nói "không" thì muôn kiếp cũng chẳng thấy tánh đặng, rốt
cuộc không ích gì.