không phải miệng niệm mà phải từ nội tâm nhìn thấu suốt vạn pháp, thấy
cái gì cũng không, từ đó mới đạt được sự ích lợi. Nếu chỉ có miệng niệm
Bát nhã, mà nội tâm không chiếu theo trí huệ Bát nhã mà tu hành; nếu vẫn
còn vô minh, chính là tâm không chân thực tu hành, giống như hư vọng
huyễn hóa, như sương, như ánh chớp, cuối cùng cũng không đạt được cảnh
giới này.
Miệng niệm tâm hành Bát nhã, mới là ý nghĩ và việc làm tương ưng khế
hợp, từ đó có thể nhìn thấy tự tánh, chính là Phật, vì bổn tánh chính là Phật.
Tự tánh là chân Phật, nếu tách rời tự tánh thì không có Phật. Cho nên Phật
giáo dạy rằng: "Mọi người đều có thể thành Phật." Chỉ cần các ông tu hành,
tức tu hành tự tánh, hồi quang phản chiếu, quay trở về tìm nơi chính mình,
không nên giong ruổi tìm cầu bên ngoài thì nhất định sẽ thành Phật.
*
Sao gọi là Ma ha? Ma ha nghĩa là lớn, tâm lượng rộng lớn cũng như hư
không, không có bờ mé, cũng chẳng phải vuông tròn lớn nhỏ, cũng
chẳng phải xanh vàng đỏ trắng, cũng không trên dưới dài ngắn, cũng
không giận không mừng, không phải không quấy, không lành không
dữ, không có đầu đuôi. Các cõi Phật thảy đều như hư không. Cái diệu
tánh của người thế gian vốn là trống không, chẳng có một pháp gì
trong đó mà tìm đặng. Cái tự tánh Chơn không cũng giống như thế.
Chư Thiện tri thức! Chớ nghe ta nói "không" mà liền chấp "không."
Nếu để tâm trống không mà ngồi yên lặng, tức là chấp cái "vô ký
không."
Giảng:
Ma ha có nghĩa là gì? Ma ha dịch là lớn (đại). Cái gì gọi là lớn? Tâm người
lớn như hư không, giống như tâm muốn đến mặt trăng bèn phát minh hỏa