Nếu tranh trước sau, nói nhứt định phải định trước huệ sau, hoặc huệ trước
định sau, phàm tranh luận cái đạo lý này, đều là những kẻ phàm phu ngu
muội, cho nên nói: "Tranh luận là tâm thắng phụ, trái nghịch với đạo, liền
sanh tâm tứ tướng, làm sao mà đắc được tam muội?" Không đắc được tam
muội, tức là không có định, cũng chính là không có huệ.
Nếu tâm thắng phụ chưa thể đoạn trừ, thì vẫn còn ngã chấp và pháp chấp.
Nếu ngã chấp, pháp chấp chưa thể đoạn trừ thì không thể rời bỏ tứ tướng.
Vì có cái ngã chấp, cho nên có cái nhân chấp, vì có nhân chấp cho nên có
chúng sanh chấp, vì có chúng sanh chấp sẽ phát sanh thọ giả chấp. Không
thể rời bỏ bốn loại chấp trước này, tức thì sanh ra bốn tướng.
Quý vị Thiện tri thức! Định huệ giống như cái gì? Nay đưa ra một ví dụ:
định huệ giống như đèn và ánh sáng. Có đèn thì có ánh sáng, có ánh sáng
thì có đèn, không có đèn thì không có ánh sáng, không có ánh sáng thì
không có đèn. Đèn và ánh sáng tuy nói là hai loại, kỳ thực là nhất thể. Đèn
là bổn thể của ánh sáng, mà ánh sáng là dụng của đèn. Đèn có cái dụng gì?
Là có ánh sáng. Danh tự tuy có hai nhưng bổn thể của nó chỉ có một, loại
Phật pháp định huệ này, cũng giống như đạo lý của đèn và ánh sáng.
*
Chư Thiện tri thức! Nhứt hạnh tam muội nghĩa là trong cả thảy các
chỗ đi, đứng, ngồi, nằm, thường giữ một lòng ngay thẳng. Kinh Tịnh
Danh nói: "Lòng ngay thẳng là Đạo tràng, lòng ngay thẳng là Tịnh
độ." Đừng lòng tưởng điều tà vạy mà miệng nói điều ngay thẳng. Đừng
miệng nói Nhứt hạnh tam muội mà chẳng giữ lòng ngay thẳng. Nếu giữ
lòng ngay thẳng thì đối với cả thảy các pháp, tâm đừng chấp trước
(dính níu theo pháp tướng trần cảnh). Người mê chấp trước pháp
tướng, chấp Nhứt hạnh tam muội, nói rằng thường ngồi chẳng động,
lòng không sanh niệm tưởng, gọi đó là Nhứt hạnh tam muội. Nếu hiểu
như thế, tức là đồng với loài vô tình. Quả thật là cái duyên cớ cản ngăn