ý Phật chẳng khác là nghĩa này vậy.
Sư thấy môn đồ các tông tụ tập dưới Pháp toà, đều khởi ác ý vấn nạn. Sư
thương xót cho họ nên bảo rằng: Người học đạo cần phải dứt trừ cho sạch
tất cả thiện niệm ác niệm, cho đến chẳng còn chỗ để gắn tên, rồi lại gắn tên
nơi tự tánh; tự tánh vốn bất nhị, gọi là thật tánh. Từ nơi thật tánh mới kiến
lập tất cả giáo môn. (Như vậy, Pháp môn của các tông dù có khác, nhưng
đều cùng xuất phát từ một nguồn, vốn chẳng cao thấp, người học đạo chớ
nên tranh giành hơn thua mà trái nghịch với đạo). Còn Pháp đốn giáo này
thì cần phải ngay đó (chẳng tác ý) tự ngộ tự thấy mới được. Đại chúng nghe
xong thảy đều đảnh lễ, thờ Sư làm Thầy.
---o0o---
Phẩm Hộ Pháp Thứ Chín
Ngày rằm tháng giêng niên hiệu Thần Long nguyên niên, vua Trung Tôn và
Võ Tắc Thiên ban chiếu rằng: Trẫm mời An Quốc Sư và Thần Tú Thiền Sư
hai vị vào cung cúng dường, thừa lúc muôn việc nhàn rảnh để nghiên cứu
đạo nhất thừa. Hai Sư khiêm nhượng rằng: Ở miền Nam có Huệ Năng
Thiền Sư được Ngũ Tổ mật phó y pháp, truyền Phật tâm ấn, xin mời Sư đến
để hỏi. Nay sai nội thị Tiết Giản lãnh chiếu đến rước thỉnh, nguyện Sư từ bi
thương xót, mau đến kinh thành. Sư dâng biểu cáo bệnh khước từ và xin
được trọn đời ở trong núi rừng.
Tiết Giản hỏi: Các thiền đức nơi kinh thành đều nói là muốn được ngộ đạo
phải ngồi thiền tập định, nếu không nhờ thiền định mà mong được giải thoát
thì chưa hề có vậy. Chưa biết cách dạy bảo của sư như thế nào?
Sư nói: Đạo do tâm ngộ chẳng tại tọa. Kinh nói Nếu nói Như Lai có nằm có
ngồi, ấy là kẻ hành tà đạo. Tại sao vậy? Vì tự tánh chẳng có chỗ đến, cũng
chẳng có chỗ đi, chẳng sanh chẳng diệt, gọi là Như Lai Thanh Tịnh Thiền.
Chư pháp không-tịch là Như Lai Thanh Tịnh Tọa, cứu cánh chẳng có một
pháp để chứng đắc, huống chi là ngồi!