Tiết Giản nói: Đệ tử về Kinh, Hoàng Đế ắt hỏi, xin Sư từ bi chỉ thị tâm yếu,
để về triều đình tâu lại hai vua và người học đạo ở kinh thành, thí như một
ngọn đèn mồi cho trăm ngàn ngọn, khiến kẻ tối đều sáng, dùng sáng truyền
sáng, sáng mãi chẳng hết.
Sư nói: Đạo chẳng sáng tối, sáng tối là nghĩa sanh diệt. Sáng mãi chẳng hết,
cũng phải có lúc hết, vì sáng tối là đối đãi lập danh, nên Kinh Duy Ma Cật
nói: Pháp chẳng thể so sánh, vì chẳng đối đãi vậy.
Tiết Giản nói: Sáng dụ cho trí huệ, tối dụ cho phiền não, người tu đạo nếu
không lấy trí huệ để chiếu phá phiền não thì cái sanh tử đã từ vô thỉ, dựa
vào đâu để ra khỏi? Sư nói: Phiền não tức Bồ đề, chẳng hai chẳng khác.
Nếu nói lấy trí huệ để chiếu phá phiền não, ấy là kiến giải của kẻ nhị thừa,
người đại căn thượng trí thì chẳng như vậy.
Hỏi: Thế nào là kiến giải của người đại thừa?
Sư nói: Sáng với chẳng sáng, phàm phu thấy có nhị, người trí liễu đạt tánh
ấy bất nhị, tánh bất nhị tức là thật tánh vậy. Thật tánh ở nơi phàm ngu mà
chẳng bớt, nơi thánh hiền mà chẳng thêm; trụ nơi phiền não mà chẳng loạn,
ngay nơi thiền định mà chẳng tịch, chẳng đoạn chẳng thường, chẳng đi
chẳng đến, chẳng phải ở giữa, cũng chẳng bên trong bên ngoài, chẳng sanh
chẳng diệt, tánh tướng như như, thường trụ chẳng biến đổi, ấy gọi là đạo.
Hỏi: Sư nói chẳng sanh chẳng diệt, vậy đâu khác với ngoại đạo!
Đáp: Ngoại đạo nói chẳng sanh chẳng diệt, là dùng diệt để dẹp sanh, dùng
sanh để tỏ diệt, sanh nơi chẳng sanh, diệt nơi chẳng diệt. Ta thuyết chẳng
sanh chẳng diệt là: tự vốn chẳng sanh, nay cũng chẳng diệt, cho nên khác
với ngoại đạo. Nếu ngươi muốn biết tâm yếu, nên đối với các pháp thiện ác
đều chớ suy lường, tự nhiên được tâm thể thanh tịnh, trạm nhiên thường
tịch, diệu dụng hằng sa. Tiết Giản được chỉ dạy, hoát nhiên đại ngộ, lễ bái
từ giã về kinh, dâng biểu tâu thuật lại lời nói của Sư.