Sau khi thi đỗ Tú Tài Pháp, Khái Hưng làm giáo sư Trường Tư Thục
Thăng Long và đi ngay vào làng báo bằng tờ Phong Hóa, trên đó ông
chuyên viết bài nghị luận. Năm 1932, khi tờ báo này được trao cho Ông
Nguyễn Tường Tam điều khiển, Khái Hưng chuyển hướng sang địa hạt tiểu
thuyết và dùng các tác phẩm của ông hỗ trợ cho lý tưởng xây dựng một xã
hội mới, đả phá nếp sống cổ hủ và chậm tiến.
Trong những năm hoạt động chính trị, Khái Hưng vẫn không rời bỏ
sáng tác. Năm 1941, ông và Hoàng Đạo bị nhà cầm quyền Pháp bắt giam.
Khi được thả ra, ông cộng tác với Nguyễn Tường Bách xuất bản tờ báo mới
lấy tên là « Ngày Nay Kỷ Nguyên Mới ».
Năm 1945, Khái Hưng cộng tác với Nhất Linh làm tờ « Việt Nam » và
viết những bài nghị luận chống đối Việt Minh thay cho Tú Mỡ. Năm 1947,
khi tản cư ra khỏi Hà Nội, ông bị bí mật thủ tiêu.
Công nghiệp của Khái Hưng trong địa hạt báo chí và văn chương rất
lớn cả về lượng và phẩm. Ông viết nhiều, và hầu như tác phẩm nào của ông
cũng đạt được ảnh hưởng sâu rộng trong quần chúng. Ông viết đủ các bộ
môn tiểu thuyết, kịch, truyện ngắn, truyện nhi đồng. Trên địa hạt văn
chương, ông là cây bút cừ khôi nhất trong Nhóm Tự Lực Văn Đoàn và là
một nhà văn tiền chiến. Tuy một số tiểu thuyết của Khái Hưng ít gây được
dư luận sôi nổi nhất thời nhưng thường có giá trị vĩnh cửu và cho tới ngày
nay, khi đọc lại những tiểu thuyết của ông, độc giả vẫn cảm thấy say mê và
thấy rằng ông có một khả năng nhận định xác thực, tâm lý sắc bén với cách
hành văn rất nhẹ nhàng nhưng tinh tế.
NGUYỄN TUÂN
Sinh năm 1913 tại Thanh Hóa, Nguyễn Tuân là một nhà văn, một nhà
báo tiền chiến, nổi tiếng là con người hào hoa và khinh bạc. Con người ông
bộc lộ rõ rệt trong văn chương của ông qua rất nhiều tác phẩm gồm tiểu
thuyết, truyện ngắn và phóng sự thời đại.