Muốn có một cái nhìn vừa tổng quát, vừa chính xác về nền báo chí hiện
tại, chúng ta cần khảo sát tất cả những nhật báo hiện đang phục vụ dư luận
tại Việt Nam. Những nhật báo này dù không phản ảnh hết những đặc tính
của nền báo chí hậu Cách Mạng nhưng cũng cho thấy những khía cạnh đặc
biệt kết tinh từ một thời « báo chí trăm hoa đua nở » sau ngày toàn dân hoàn
thành Cách Mạng.
Nói về tầm ảnh hưởng của báo chí hiện đại, chúng ta cần phải có một
nhận định toán học hóa, nghĩa là dựa vào các con số thống kê hoặc ước
lượng tương đối chính xác để tìm ra chỉ số ảnh hưởng. Vào một thời gian
sau cuộc Cách Mạng 1963, làng báo Việt Nam có tất cả khoảng 35 tờ nhật
báo đủ mọi khuynh hướng phục vụ dư luận với số độc giả ước lượng
700.000 rải rác trên toàn quốc nhưng đa số quy tụ vào đô thành và các thị
trấn. Với con số độc giả đó, tính trung bình mỗi tờ nhật báo phục vụ cho dư
luận của khoảng 20.000 người.
Thời kỳ trên đây được coi là mức hoạt động lý tưởng của làng nhật báo.
Đối với một quốc gia với 17 triệu dân như Việt Nam Cộng Hòa chỉ có 700
ngàn người đọc nhật báo là một điều lạc hậu và bất cứ một nhà khảo sát báo
chí ngoại quốc nào cũng phải lấy làm ngạc nhiên. Nhưng tại xứ này, báo chí
vẫn còn phải chịu đựng tình trạng chậm tiến chung, và nếu lúc nào cũng có
700 ngàn độc giả như thời kỳ 1964-1965 cũng đã là một tình trạng khả quan.
Số dân còn lại của 17 triệu người, nếu không đọc nhật báo, có thể theo dõi
các chương trình truyền thanh, truyền hình, hoặc là các độc giả của các tạp
chí định kỳ.
Nhưng rồi những biến chuyển về chính trị, kinh tế và xã hội trong
những năm tiếp theo sau 1965 đã đưa mức ảnh hưởng của báo chí hạ thấp
xuống. Trước hết là số độc giả giảm sút, một phần vì người dân đã cảm thấy
chán theo dõi những biến cố xảy ra đều đều, và một phần vì tình hình khó
khăn về kinh tế. Vào những năm cuối của thập niên 60, con số độc giả khắp
trên toàn quốc ước lượng chỉ còn lại phân nửa. Trong khi đó, cuộc cạnh
tranh trong làng báo cũng đã trở nên ác liệt, và một số lớn nhật báo đã bị luật
đào thải chi phối. Từ 35 báo năm 1965, làng báo rút xuống khoảng 20 tờ vào