quãng đời đấu tranh oanh liệt trước kia. Sau Cách Mạng 1963, cái chu kỳ
thương mại hóa lại tiếp diễn, ác liệt hơn, trọn vẹn hơn và làm nản lòng
những người cầm bút trong hàng ngũ ký giả có lý tưởng.
Nhưng nếu đặt khía cạnh văn hóa của báo chí vào trong khung cảnh xã
hội chung của dân tộc, chúng ta không thể quá khắt khe để kết tội rằng văn
chương sa đọa trên báo chí sau ngày Cách Mạng 1963 là một sản phẩm do
báo chí đơn phương tạo nên. Phải nhận rằng nó là một sản phẩm chung do
rất nhiều yếu tố góp phần cấu tạo, trong đó bối cảnh xã hội là tác giả chính.
Xã hội chúng ta, trong những năm tháng tiếp giáp cuộc Cách Mạng 1963, là
một sân khấu vĩ đại với đủ các diễn viên và đủ các màn thác loạn tiếp diễn
một cách khá ngoạn mục. Các diễn viên cũng có thể là những kẻ đã từng
xuất hiện trước đây, nhưng sau 1963, họ tái xuất giang hồ với những hia
mão mới và bối cảnh mới. Báo chí trong những ngày này chỉ làm công việc
mà nền báo chí bất cứ quốc gia nào cũng phải làm, đó là phản ánh một cách
hoàn toàn trung thực những hoạt cảnh xã hội đang diễn ra trên thực tế. Nó
không hề bóp méo sự thực, không hề gạn lọc chi tiết, và cũng không hề tô
mầu thêm cho những bức phông đã có sẵn mầu.
Một nhà báo quốc tế khi nhận định về nền báo chí Việt Nam sau thời
Cách Mạng 1963 đã viết rằng « báo chí Việt Nam tương đối ít có ảnh hưởng,
chỉ thiên về mục đích ủng hộ phe nhóm và thường tạo tính chất giật gân ».
Điều này quả thật có đúng trên thực tế. Sau Cách Mạng 1963, báo chí Việt
Nam gần như trở thành khí cụ tranh đấu hay cơ quan ngôn luận của những
lực lượng chính trị, tôn giáo, hay quần chúng. Hiện trạng báo chí ngày nay
cho chúng ta thấy rõ điều đó. Trong số những nhật báo còn góp mặt trên thị
trường, có lẽ không có tờ báo nào mà không có một lực lượng chính trị làm
hậu thuẫn ở sau lưng. Tất cả báo chí Việt Nam sau Cách Mạng 1963 đều đã
trở thành phương tiện phục vụ cho những quyền lợi riêng biệt. Cũng vì vậy
mà ảnh hưởng của báo chí trong thời hiện đại đã giảm sút rất nhiều, chỉ vì
các quyền lợi không thể dung hòa với nhau, và báo chí không còn là một
phương tiện chung của toàn dân, tranh đấu cho một lý tưởng chung của toàn
đất nước, và hướng về một mục tiêu chung của mọi người cầm bút.