Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản và xa hơn nữa. Trong quá trình phát triển đó, giáo lý
nhà Phật được phân chia thành các tông phái khác nhau, dựa trên các cách giải
thích lời Phật dạy khác nhau. Phật giáo Tiểu thừa (Theravada) tuân theo đúng
tinh thần nghiêm ngặt của thời kỳ truyền pháp đầu tiên, theo đó thì cách nhanh
nhất để đạt giác ngộ là phải xuất gia thành một nhà sư. Chữ “thừa” có một nghĩa
là “cỗ xe”, ở đây ý nói những cá nhân có năng khiếu, căn cơ phù hợp rồi thì có
thể đi phương tiện nhỏ và nhanh như chiếc xe đua để đến sự giác ngộ. Còn tông
phái kia là Phật giáo Đại thừa (Mahayana), như một chiếc xe buýt dành cho
người bình thường cần thời gian tu tập dài hơn.
Sự khác nhau giữa hai tông phái đó không chỉ ở tốc độ. Như ta từng thấy các
tôn giáo khác có sự chia rẽ lớn giữa một bên thích các hình ảnh và tôn tượng, còn
bên kia lại căm ghét chúng. Đức Phật không ủng hộ việc thờ cứng các tôn tượng,
nhưng tôn giáo phổ biến lại thích có thứ gì đó để các tín đồ nhìn ngắm, vậy thì
còn hình ảnh nào được các Phật tử yêu mến cho bằng hình ảnh của chính Đức
Phật? Từ đó, các bức tượng Phật, thường là đẹp đẽ đến choáng ngợp, trở thành
một yếu tố nổi bật trong các ngôi chùa theo truyền thống Phật giáo Đại thừa.
Chính truyền thống Đại thừa đó đã đi theo Con đường Tơ lụa vào Trung Hoa
trong thế kỷ 1 và 2, bám rễ và làm đổi thay tình hình tôn giáo của đất nước này,
đồng thời chịu ảnh hưởng từ các tôn giáo khác.
Người Trung Hoa vẫn duy trì cách tiếp cận thực dụng của họ trong tôn giáo.
Họ không ngại pha trộn những điểm hay nhất từ các truyền thống khác nhau,
cũng không ngại trung thành với một tín ngưỡng đơn lẻ nào đó một cách nghiêm
ngặt. Vì thế, khi Phật giáo gặp gỡ đạo Lão, cả hai đã cùng thay đổi. Kết quả là sự
ra đời của phái Thiền tông trong Phật giáo. Bạn còn nhớ việc hiểu Đạo là khó
khăn như thế nào không? Thiền tông đã vay mượn cách tiếp cận đùa bỡn đó của
đạo Lão.
Làm sao con có thể tìm thấy sự bình an và chấm dứt ham muốn này? Xin
hãy dạy cho con. Xin cho con hay kinh sách đã giải thích tình huống này thế nào
và làm sao để thoát ra khỏi nó.
Ra... vào... ra... vào.
Sao cơ ạ?