cát thì khô ráo. Một trong những kẻ do Paul cải đạo khi ông bị giam ở Rôma là
một người nô lệ đang chạy trốn tên là Onesimus, người đã ăn trộm đồ của ông
chủ và chạy trốn vào thành. Paul yêu quý anh ta nhưng không cố cứu anh ta thoát
khỏi tình cảnh nô lệ. Ông gửi trả anh lại cho người chủ tên Philemon như một cái
ví bị thất lạc, đồng thời khẩn cầu ông ta hãy đối xử tử tế với người cùng theo Kitô
giáo này.
Tại sao Paul không thách thức chế độ nô lệ khi nó đi ngược lại thông điệp về
tình yêu phổ quát của Kitô giáo? Tại sao ông không thuyết phục Philemon trả tự
do cho người nô lệ ấy thay vì chỉ yêu cầu ông ta hãy tử tế với anh ta sau khi anh
ta đã quay lại? Có lẽ vì ông đã nghĩ thế giới kiểu như lúc ấy sẽ không còn tồn tại
lâu. Giê xu sẽ sớm quay lại để đem đến một vương quốc của Thiên Chúa tràn đầy
sự công bình và tình yêu, thế nên sao phải chắp vá một hệ thống đang ở trên bờ
cáo chung? Nếu bạn sắp sửa đập tan căn nhà thì bạn đâu cần mất thời gian đi sửa
đường ống nước. Điều này có nghĩa là những Kitô hữu đầu tiên dường như không
hoàn toàn thoải mái với thế giới hiện tại quanh họ. Hy vọng của họ là thế giới đó
sẽ sớm chấm dứt, vì thế mà người La Mã thấy họ rất khả nghi. Hy vọng ấy tạo ra
ấn tượng là dân Kitô hữu căm ghét loài người. Chẳng cần đợi đến lúc có thêm ấn
tượng khác về họ thì chính quyền La Mã đã bắt đầu nổi cơn thịnh nộ nhắm vào
mục tiêu là các Kitô hữu này.
Nhang được làm từ nhựa cây trộn với các thảo mộc có hương thơm, khi thắp
lên sẽ tỏa ra một làn khói có mùi hương ngọt ngào. Trong tôn giáo cổ xưa, đốt
nhang dâng lên thánh thần là một hình thức tế lễ phổ biến. Có lẽ người xưa từng
nghĩ rằng khi khói nhang bay lên từ lư hương thì mùi thơm ngọt ngào đó sẽ làm
vui lòng thần linh trên cao và họ sẽ được các vị ấy phù trợ. Người La Mã từng
yêu cầu thần dân thả các viên nhang vào lư hương đặt dưới ảnh của hoàng đế, ý
rằng họ đang tôn thờ hoàng đế như một vị thần. Việc này trở thành một bài kiểm
tra lòng trung thành giống như việc đứng chào cờ hay đứng hát quốc ca vậy. Liệu
những người đốt hương có thực sự tin hoàng đế là thánh thần không thì không rõ,
nhưng nghi thức thì chắc chắn ngụ ý vậy. Chuyện này là quá sức chịu đựng đối
với các tín hữu Kitô. Họ phản đối vì dù là các thần dân trung thành với hoàng đế
đi nữa, họ cũng không thể đốt nhang dâng vua như thể vua là thượng đế được.