giáo có cần phải tuân theo luật lệ Do Thái không. Paul đã thắng cuộc ấy và tạo
điều kiện cho Giáo hội mở rộng ra ngoài phạm vi Do Thái giáo. Đó chỉ là màn
mở đầu báo hiệu những cuộc tranh cãi phức tạp tiếp theo. Đề tài lớn tiếp theo là
về việc Giê xu là ai. Họ đã biết ông là người đến từ xứ Nazareth và chết ở
Jerusalem. Họ biết Thiên Chúa đã gọi ông là con trai yêu dấu của Người. Thế
nhưng làm sao ông ấy vừa là người thường, vừa là con của Chúa được? Paul giải
quyết vấn đề bằng cách cho rằng Thiên Chúa đã nhận nuôi Giê xu. Nếu vậy thì đã
có lúc Giê xu không phải là con trai Chúa ư? Họ không thích cách diễn giải như
vậy mà thích cách ngược lại: Thật ra Giê xu vốn luôn luôn là con trai của Chúa,
nhưng vào khoảng năm 4 TCN ông đã bí mật đến thế gian để giải cứu các con
của mình. Ông sống đời thế nhân trong ba mươi ba năm trước khi được đưa về lại
với Chúa Thánh Thần. Vì vậy ông vừa là Chúa toàn năng, vừa là một con người
trọn vẹn. Nhưng cụ thể thì tất cả những điều đó xảy ra như thế nào? Họ đã tranh
cãi về điều đó trong hàng thế kỷ, từ đó ra đời các giáo phái và phe nhóm đối địch
với nhau.
Dĩ nhiên, họ cũng không chỉ lo cãi nhau trong nội bộ về thánh tính của Giê
xu. Họ còn chăm sóc cho người nghèo. Họ tự tổ chức một cách hiệu quả, sao
chép hệ thống hành chính của Đế quốc La Mã, chia thành các đơn vị địa lý gọi là
các giáo phận và bổ nhiệm các vị giám mục cai quản. Dưới các giám mục là các
linh mục (hay cha xứ) làm nhiệm vụ trông coi các giáo xứ địa phương. Ngoài ra,
họ còn cấp bậc thứ ba gồm những người phục vụ gọi là các phó tế, chuyên coi
sóc người nghèo khó cần được giúp đỡ. Đó là một cách tổ chức hiệu quả và vận
hành trơn tru. Không lâu sau, các vị giám mục ở các thành phố lớn như Rôma trở
thành các yếu nhân, ngay cả trong mắt của chính quyền hoàng gia. Các cuộc bắt
bớ thỉnh thoảng vẫn diễn ra nhưng chỉ làm cho Giáo hội thêm mạnh mẽ. Để rồi
cuộc bắt bớ cuối cùng đã trở thành lần kìm kẹp sau chót của màn đêm trước buổi
bình minh mới mẻ, đầy ngỡ ngàng ló rạng.
Trong lúc Giáo hội Kitô đang trên đà tự xây dựng thành một tổ chức thống
nhất kiên cố, Đế chế La Mã lại đi theo chiều hướng ngược lại và đang dần tan rã.
Quân đội La Mã dành thời gian đấu đá nội bộ nhiều hơn là lo canh giữ đế quốc
chống lại những kẻ xâm lăng đang quấy nhiễu trước cửa ngõ. Đây đó cũng có
những lãnh đạo giỏi nổi lên cố ngăn chặn đà suy tàn của đế quốc và một trong
những vị nổi bật nhất là hoàng đế Diocletian, người lên ngôi vào năm 284. Trong