công trên thế giới, thứ đã gây ra nỗi khổ đau mà tôn giáo phải xoa dịu. Marx mô
tả tôn giáo là một thứ “thuốc phiện của nhân dân”. Ông xem nó như một thứ
thuốc gây mê. Tuy vậy, cũng có lúc chúng ta cần đến thuốc gây mê. Nếu phải trải
qua một ca phẫu thuật, bạn sẽ vui lòng để cho bác sĩ đưa mình vào giấc ngủ trước
khi mổ xẻ bạn ra. Tôn giáo có thể là một loại thuốc giúp xoa dịu con đau của
cuộc sinh tồn. Chỉ những tâm hồn hẹp hòi mới không thể cảm thông với những
người cần được giảm bớt khổ sở theo cách như vậy. Phải có trái tim sắt đá thì
người ta mới không động lòng trước cảnh một giáo đoàn các nô lệ đang tìm kiếm
sự động viên nơi lời hứa của Chúa Giê xu rằng sẽ đưa họ về nhà.
Nhưng đó chưa phải là cách duy nhất dân Mỹ gốc Phi đã sử dụng đức tin
Kitô-Do Thái và các câu chuyện Kinh Thánh. Họ còn làm một việc khác có tính
chính trị rõ rệt hơn. Họ dùng các thông điệp của nó để vận động chống lại chủ
nghĩa phân biệt chủng tộc và tình trạng bất công tại Mỹ trong thế kỷ 20. Với họ,
nước Mỹ vẫn là một vùng đất như Ai Cập năm xưa và chính họ vẫn còn chịu ách
gông cùm. Vị tiên tri Moses của họ lúc này là một mục sư có tên Martin Luther
King, người kêu gọi vị Pharaoh già nua giải phóng nhân dân mình một lần nữa.
King sinh năm 1929 ở thành phố Atlanta, bang Georgia, trung tâm của nhóm
các bang miền Nam nước Mỹ. Năm 1954, ông trở thành mục sư của một nhà thờ
phái Baptist ở Montgomery, bang Alabama; tại đó, ông đã khởi xướng phong trào
đấu tranh vì quyền công dân đầy đủ cho người Mỹ gốc Phi. Vào cái đêm ông bị
ám sát năm 1968, Martin Luther King ví mình như ngài Moses năm ấy đã trông
thấy Miền Đất hứa từ xa nhưng đã chết trước khi kịp đến nơi. Đối với King, dân
Mỹ gốc Phi đã xem như thoát khỏi Ai Cập khi chế độ nô lệ bị hủy bỏ vào năm
1865 nhưng trong một trăm năm tiếp theo, họ vẫn còn cách xa Miền Đất hứa của
bình đẳng trọn vẹn. Thực tế là hơn nửa thế kỷ nữa trôi qua từ sau cái chết của
King, họ vẫn chưa đến được miền đất ấy.
Như ta đã thường xuyên thấy trong các phần trước, tôn giáo có thể bắt đầu
với các trải nghiệm huyền bí nhưng nó luôn dẫn đến chính trị. Tôn giáo khởi đầu
bằng lời phán cho các vị tiên tri, công cụ trung gian do Đấng Toàn Tri chọn. Rồi
những điều các vị ấy nghe được luôn dẫn tới các hành động ảnh hưởng đến lối
sống của con người: cũng tức là chính trị. Đôi khi chính trị thật tệ. Con người bị
bức hại vì đi theo đức tin hay nghe theo lời phán sai lầm nào đó. Hoặc họ bị ép